HÃY LÀ CHÍNH BẠN (Ch.5) MỘT THẦY TẾ LỄ TRƯỚC BÀN THỜ CHÚA

Thứ Hai, 23-07-2018 | 10:19AM GMT+7
0

 Chương 5

Một Thầy Tế Lễ Trước Bàn Thờ Chúa
Mục đích của Đức Chúa Trời là muốn dân tộc Is-ra-el trở thành một “một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho Chúa” (Xuất Ê-díp-tô ký 19:6) nhưng họ đã làm Chúa buồn lòng và bị mất đi những đặc quyền thuộc linh của họ. Những đặc quyền này Hội Thánh đang được hưởng vì trong Tân Ước đã nói rằng chúng ta “làm chức tế lễ thánh … dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” và “làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:5,9; Khải Huyền 1:6).
Trong giao ước cũ, con dân của Chúa có một chi phái làm thầy tế lễ; nhưng trong giao ước mới, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ. 
“Chức thầy tế lễ của tín hữu” là một điều quý giá trong đức tin của Cơ Đốc Nhân, mà sự bảo vệ của thầy tế lễ cứu nhiều người. Điều đó nghĩa là tất cả các tín hữu đều thuận phục trước Chúa và được đến gần Chúa ngang với nhau qua Đức Chúa Giê-su Christos là Thầy Tế Lễ Cả.
“Bởi vậy nên tất cả các Cơ Đốc Nhân đều là thầy tế lễ,” Martin Luther đã nói vậy. Thực ra, Luther, cũng giống như hầu hết những nhà Cải chánh khác không tán thành khi mọi người gọi các Mục sư của Hội Thánh là “những thầy tế lễ”. Ông nói rõ rằng, “Ai phục vụ mọi người với Lời Chúa và các Thánh Lễ không nên và không được gọi là thầy tế lễ…Theo các thư tín [Các thư tín Tân Ước] họ nên được gọi là các Mục sư, chấp sự, giám mục và quản gia.”
Quan điểm của ông đơn giản là tất cả các tín hữu chính là các thầy tế lễ, và không một Cơ Đốc Nhân nào cho phép một Cơ Đốc Nhân khác ở giữa anh ta và Chúa. Tất cả các Cơ Đốc Nhân được ra mắt trước sự hiện diện của Chúa và trình bày những nhu cầu của họ (Hê-bơ-rơ 4:14-16, 10:19-22). Đức Chúa Giê-su Christos ngày nay là Thầy Tế Lễ Cả của chúng ta ở trên thiên đàng và Ngài đại diện cho chúng ta và cầu thay cho chúng ta trước Cha (Hê-bơ-rơ 8:1)
1. Quy Trình: Trở Thành Một Thầy Tế Lễ (Xuất Ê-díp-tô 29).
Làm thế nào mà một người trở thành một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời? “Quy trình” này được mô tả trong Cựu Ước về lễ bổ nhiệm của A-rôn và các con trai ông bước vào chức vụ thầy tế lễ. Hãy chú ý những bước liên quan minh họa cho chức vụ thầy tế lễ trong Tân Ước.
Họ được chọn và kêu gọi bởi Chúa (Xuất Ê-díp-tô 29:1-4). Mọi người dân Is-ra-el trong trại không thể trở thành thầy tế lễ, trừ khi họ được Chúa chọn –đó chính là A-rôn và các con của ông. Để trở thành một thầy tế lễ, người đó phải được sinh ra trong đúng gia đình dòng dõi tễ lễ. Và đó chính là cách mà chúng ta trở thành thầy tế lễ của Tân Ước, bằng cách được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời (Giăng 1:12-13; 3:1-16). Đây không phải là vấn đề của giáo dục, khả năng hay là những thành tích. Có lẽ có những người khác trong dân Y-sơ-ra-ên thông minh hơn, tài năng hơn, và đẹp đẽ hơn A-rôn và các con ông. Nhưng điều đó chẳng đem lại khác biệt gì. Đức Chúa Trời đã chọn A-rôn và chuyện đó đã được sắp xếp như vậy.
Tất cả các Cơ Đốc Nhân được chọn và được kêu gọi bởi Chúa (Ê-phê-sô 1:4; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-14; Giăng 15:16). Họ chẳng có gì xứng đáng để nhận được sự cứu chuộc của Chúa. Tất cả là bởi ân điển (Ê-phê-sô 2:8-10). Chẳng có người lạ nào trong trại của dân Y-sơ-ra-ên được cho phép đến gần nơi thầy tế lễ thi hành chức vụ, ai đến gần sẽ bị xử tử “Dân Số Ký 3:10”.
Họ được tắm sạch (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:4). Đây là việc tắm rửa toàn thân một người, và điều này tượng trưng cho việc rửa sạch tội lỗi của họ. Các thầy tế lễ chính là đại diện cho mọi người trước mặt Đức Chúa Trời, và điều này nghĩa là họ phải giữ một đời sống thánh khiết (Xa-cha-ri 3). Các thầy tế lễ “ môn đồ Đấng Christos “ ( Christonia ) cũng vậy, chúng ta cũng được tắm rửa, và vì thế chúng ta được tinh sạch trước Đức Chúa Trời “Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài” (Khải Huyền 1:5-6).
Cho dù chúng ta tội lỗi như thế nào chăng nữa, Đức Chúa Trời cũng rửa sạch tội chúng ta khi chúng ta tin nhận Con Một của Ngài là Đấng Cứu Thế của chúng ta (I Cô-rinh-tô 6:9-11). Chúng ta đừng coi việc rửa sạch tội lỗi này như lễ báp-têm bởi vì báp-têm không rửa sạch tội lỗi được (I Phi-e-rơ 3:21). Đây là “sự rửa về sự tái sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh” đã làm trọn việc rửa sạch một tấm lòng tội lỗi (Tít 3:5). Đức Chúa Trời rửa sạch tấm lòng của chúng ta bởi đức tin (Công Vụ 15:9) không phải bằng các nghi lễ tôn giáo. Báp-têm là một bằng chứng quan trọng của sự cứu rỗi (Công Vụ 10:47-48), nhưng không phải là phương tiện cứu rỗi. 
Một điều quan trọng cần chú ý là một con bò tơ và hai con chiên đực đã bị giết làm của tế lễ cho A-rôn và những người con của ông (Xuất Ê-díp-tô ký 29:10-25). Nguyên tắc của Kinh Thánh là “không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22; Lê-vi Ký 17:11). Chúng ta đã được tẩy sạch tội lỗi chẳng phải bởi huyết của những động vật được đem hiến tế, mà bởi dòng huyết quý báu của Chúa Giê-su (Hê-bơ-rơ 9:11-15).
Huyết của vật tế đã được bôi lên tai phải, ngón tay cái bên phải, và ngón chân cái bên phải của A-rôn và các con ông (Xuất Ê-díp-tô ký 29:19-20). Đây là một lời nhắc nhở rằng toàn bộ thân thể họ được dâng cho công việc của Chúa (Rô-ma 12:1), hãy lắng nghe lời Ngài, làm việc Ngài và bước theo Ngài.
Họ được thay quần áo (Xuất Ê-díp-tô ký 29:5-9). Đức Chúa Trời phán với Môi-se là phải chuẩn bị những quần áo đặc biệt cho A-rôn và các con trai ông (Xuất Ê-díp-tô ký 28). Họ phải được mặc quần áo thích hợp thì mới được làm việc tế lễ nơi đền tạm. Nếu như họ hầu việc nơiđền tạm mà không mặc quần áo này, thì họ sẽ phải chết. (Xuất đíp-tô Ê- ký 28:43).
Từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, sự lõa lồ của loài người trở thành một nan đề với họ. Loài người cố gắng che dấu sự lõa lồ của mình, đầu tiên là tránh mặt Chúa, và sau đó che dấu bằng cách dùng lá cây vả che đi (Sáng Thế Ký 3:10-11). Đức Chúa Trời bày tỏ ân điển của Ngài bằng cách làm đổ máu động vật và mặc quần áo cho A-đam và Ê-va (Sáng Thế Ký 3:21), đây là một hình ảnh giống như Đức Chúa Giê-su chết trên thập tự. Đức Chúa Giê-su đã đền tội thay cho chúng ta vậy nên chúng ta có thể mặc áo công bình và nhận “con yêu dấu của Ngài” (II Cô-rinh-tô 5:21; Ê-sai 61:10; Ê-phê-sô 1:6).
Họ được xức dầu (Xuất Ê-díp-tô 29:7). Sự xức dầu này rất đặc biệt bởi vì nó đã được Đức Chúa Trời ban lệnh và chỉ có thể sử dụng cho những mục đích thánh khiết (Ê-díp-tô 30:22-33). Đây là một biểu tượng của Đức Thánh Linh là Đấng đã xức dầu cho mọi tín hữu (II Cô-rinh-tô 1:21; I Giăng 2:27; và chú ý xem Công Vụ 10:38). Cơ Đốc Nhân không cần phải cầu nguyện cho sự xức dầu của Chúa Thánh Linh bởi vì mỗi tín hữu đã được xức dầu. Điều chúng ta cần làm là tin vào Lời Chúa và cho phép Thánh Linh làm việc trong đời sống chúng ta.
Họ được thỏa lòng (Xuất Ê-díp-tô 29:22-37). Môi-se đưa cho các thầy tế lễ một phần “con chiên đực” làm thức ăn. Những thầy tế lễ cũng được chia phần từ những đồ tế lễ như là sự trả công cho việc hầu việc Chúa. Một thầy tế lễ trung tín chăng bao giờ bị đói! (Thực tế là một người trong số họ đã vượt qua cơn đói; xem I Sa-mu-ên 4:18). Bài học thuộc linh rất rõ ràng: khi chúng ta hầu việc Chúa, Ngài cung ứng cho chúng ta mọi nhu cầu và làm chúng ta thỏa lòng.
Là một “thầy tế lễ thánh” (I Phi-e-rơ 2:5), chúng ta được biệt riêng ra để hầu việc Chúa. Là một “thầy tế lễ nhà vua” (I Phi-e-rơ 2:9), chúng ta chia sẻ về uy quyền của Chúa, vì Ngài vừa là Vua vừa là Thầy Tế Lễ. Chúa Giê-su không phải là một thầy tế lễ theo ban của A-rôn bởi vì A-rôn hầu việc trên đất còn Chúa Giê-su hầu việc trên thiên đàng. Theo sách Hê-bơ-rơ 7-9, dòng dõi tế lễ của Chúa chúng ta là “được lập theo ban của Mên-chi-xê-đéc”, người này vừa là Vua vừa là thầy tế lễ (Sáng Thế Ký 14:17-24; Hê-bơ-rơ 7:1-11). Không vị Vua nào trong dân Y-sơ-ra-ên được phép hầu việc Chúa như thầy tế lễ, và cũng không có thầy tế lễ nào trị vì như một vị Vua. Chỉ có một mình Đức Chúa Giê-su Christos đã tập hợp cả ba chức vụ trong Cựu Ước; Ngài là tiên tri, thầy tế lễ và là Vua.
Chúng ta hãy tạm dừng mọi việc để cảm ơn Đức Chúa Trời rằng chúng ta được cứu và được đưa vào trong vương quốc thầy tế lễ. Thực tế, khi chúng ta xem lại những đặc quyền của dòng dõi thầy tế lễ, chúng ta phải ngợi khen Chúa nhiều hơn nữa.
2. Những Đặc Quyền: Khi Hầu Việc Như Một Thầy Tế Lễ
A-rôn và các con trai ông cùng những hậu duệ sau đó được hưởng những đặc quyền mà với những người dân khác thì bị cấm trong đất nước Y-sơ-ra-ên. Mỗi đặc quyền này đều có thể áp dụng theo cách thuộc linh cho những tín hữu Tân Ước trong Hội Thánh ngày nay.
Trông coi nơi Chúa ngự (Dân Số 3). Ba nhà trong chi phái Lê-vi được giao nhiệm vụ trông coi toàn bộ đền tạm, mà mỗi nhà được chỉ định có nhiệm vụ trông coi một khu vực đặc biệt. Nhà Ghẹt-sôn trông coi tấm bong của trại và bức màn của cửa hội mạc. Nhà Kê-hát chịu trách nhiệm về những đồ đạc, bình chậu; còn nhà Mê-ra-ri quản lý kết cấu của đền tạm, gồm các tấm ván của đền tạm, cây xà ngang, trụ, lỗ trụ và các trang thiết bị khác. Tất cả đều được sắp xếp cẩn thận vì đây là nơi Chúa ngự, và mọi sự phải được làm cho phải phép và theo thứ tự (I Cô-rinh-tô 14:40).
Vậy nơi Chúa ngự trên thế gian ngày nay là ở đâu? Trong mỗi cá nhân tín hữu (I Cô-rinh-tô 5:19-20), Hội Thánh địa phương (I Cô-rinh-tô 3:16-17 và chú ý đại từ nhân xưng ở số nhiều) và toàn thể Hội Thánh nói chung (Ê-phê-sô 2:20-22). Nói chung, chúng ta có thể nói rằng trong thời điểm hiện tại, Đức Chúa Trời ngự giữa con dân Ngài, và không đơn giản là ở giữa con dân Ngài (Xuất Ê-díp-tô ký 25:8). Trong thời Cựu ước, con dân Chúa đã lập nên một đền thờ cho Ngài. Nhưng trong thời Tân Ước, con dân Chúa chính là đền thờ của Ngài.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta là những tín hữu- thầy tế lễ có những đặc quyền tuyệt vời đó là trông coi nơi Chúa ngự. Và hãy bắt đầu việc này với việc chăm sóc cho chính thân thể của chúng ta, đó là đền thờ của Chúa. Một Cơ Đốc Nhân không được làm ô uế thân thể của mình cũng như một người Giu Đa không được làm ô uế đền thờ hay đền tạm. Chăm sóc thân thể tốt hơn việc bộc lộ sự thông minh hoặc thậm chí còn tốt hơn cả việc tập luyện để có sức khỏe tốt. Đó là một hoạt động thờ phượng và hầu việc Chúa- Đấng ngự trong chúng ta (Rô-ma 12:1-2).
Những ai tạo ra sự khác biệt trong đời sống của Cơ Đốc Nhân giữa thân thể “thuộc linh” và thân thể “vật lý” là đang tạo ra một sự khác biệt sai lầm. Đức Chúa Trời muốn người đó được nên thánh – cả về tâm thần, linh hồn và thân thể (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). Bạn có tưởng tượng được một người chồng nói với vợ mình rằng, “Anh sẽ yêu em với cả trí óc và trái tim nhưng điều anh làm với thân thể của mình là chuyện của riêng anh.” Nếu vậy thì cuộc hôn nhân đó sẽ chẳng có tương lai!
Đức Chúa Trời cũng muốn Hội của những tín hữu địa phương trở thành một đền thánh vì sự vinh hiển của Ngài (I Cô-rinh-tô 3:16-17). Thật bi thảm khi thấy một vài người tự xưng mình là Cơ Đốc Nhân làm ô uế Hội Thánh địa phương bằng những hành động và quan điểm đầy tội lỗi. Sau đó họ tức giận và bỏ nhóm và đi nhóm ở một Hội Thánh khác. Không lâu sau đó, họ lại gây chuyện ở đó và vòng quay lại tiếp tục lặp lại. “Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ” (I Cô-rinh-tô 3:17). Làm ô uế và phá hủy là những chữ được chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa là “làm ô uế, phá hủy, sụp đổ.” Đức Chúa Trời sẽ xử tội những người làm ô uế sự tinh sạch và phá hủy chức vụ của Hội Thánh địa phương. Chúng ta phải trông coi nơi Chúa ngự bởi vì chúng ta là những thầy tế lễ của Ngài.
Giữ lửa cháy (Lê-vi Ký 6:12-13). Khi Môi-se và A-rôn dâng đền tạm, lửa từ Đức Chúa Trời tiêu hủy những của tế lễ trên bàn thờ bằng đồng (Lê-vi Ký 9:22-24). Trách nhiệm của các thầy tế lễ mỗi buổi sáng là phải dọn sạch tro cũ, thay củi mới và giữ cho ngọn lửa cháy. Nếu không có lửa cháy trên bàn thờ, mọi người không thể dâng của lễ cho Đức Chúa Trời.
Tất cả những điều này có một áp dụng thuộc linh cho chúng ta như các tín hữu, vì mỗi người chúng ta có một “nhiệt kế thuộc linh”. Đức Chúa Trời muốn chúng ta có một trái tim nóng cháy (Lu-ca 24:32), nhưng chúng ta thường hâm hẩm (Khải Huyền 3:16) hay thậm chí là nguội lạnh (Ma-thi-ơ 24:12). Phao-lô khuyên Ti-mô-thê là phải “nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho” (II Ti-mô-thê 1:6), lời khuyên này mang nghĩa đen là “hãy thắp lửa đời sống mình lại”. Bản Kinh Thánh New International Version thì viết là “lấy quạt thổi lửa bùng lên” và bản The Living Bible lại viết, “Hãy nhen lại lửa.”
Trách nhiệm của chúng ta là giữ lửa cháy rực rỡ trong đền thờ tấm lòng của chúng ta. Chúng ta phải loại bỏ những tro tàn cũ của những của lễ và ơn phước đã qua và thêm chất đốt mới mỗi buổi sáng và cầu hỏi Thần của Đức Chúa Trời – Hơi thở của Đức Chúa Trời – thổi bùng lên ngọn lửa và làm ngọn lửa sáng rực như vinh hiển của Chúa. Sự thờ ơ luôn luôn làm cho ngọn lửa bị tổn thương (I Ti-mô-thê 4:14) và khi ngọn lửa sắp tắt, thì chúng ta cũng trở thành những Cơ Đốc Nhân hâm hẩm hay thậm chí là những Cơ Đốc Nhân có lòng nguội lạnh.
Rửa tay, chân trong chậu rửa (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:17-21). Khi các thầy tế lễ phục vụ Đức Chúa Trời ở đền tạm hay đền thờ, tay và chân họ bị dính bẩn. Đức Chúa Trời ra lệnh cho họ phải rửa sach tay và chân trong cái chậu rửa bằng đồng trong nơi thánh. Và nếu như họ không rửa, họ sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên tắc này cũng áp dụng với các tín hữu –thầy tế lễ ngày nay: nếu chúng ta muốn thông công với Chúa, chúng ta phải đến với Ngài để được rửa sạch tội lỗi (Giăng 13:1-11; I Giăng 1:5-2:2). Các thầy tế lễ đã được rửa sạch toàn thân trong lễ phong chức, đây là một hình ảnh tượng trưng cho sự cứu chuộc. Nhưng họ cần được rửa sạch thường xuyên, điều này tượng trưng cho sự nên thánh mỗi ngày.
Xông hương thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-9). Có hai bàn thờ trong đền thờ của Đức Chúa Trời, một bàn thờ bằng đồng ở cửa được dùng để dâng con sinh tế, và bàn thờ bằng vàng ngay trước bức màn được dùng để xông hương. Bàn thờ vàng tượng trưng cho những lời cầu nguyện dâng lên cho Chúa (Thi Thiên 141:1-3; Lu-ca 1:5-17). Một đặc ân tuyệt vời cho chúng ta đó là dâng lời cầu nguyện lên Cha! Các tín hữu trong thời đại ngày nay thậm chí còn có đặc quyền lớn hơn cả những thầy tế lễ, vì chúng ta được mời bước vào ngay trước sự hiện diện của Chúa và dâng những lời cầu nguyện cho Ngài (Hê-bơ-rơ 10:19-25). Khi Chúa Giê-su chết trên thập tự, bức màn của đền thờ bị xé toạc ra làm hai, vì Ngài đã mở ra một con đường mới và sống cho chúng ta.
Khi thầy tế lễ xông hương vào mỗi buổi sáng và tối, hương thơm sẽ bám vào ông và mọi người sẽ biết rằng ông ấy mới vừa ở chỗ bàn thờ bằng vàng. Khi chúng ta cầu nguyện, sẽ có một hương thơm thuộc linh trong đời sống chúng ta báo cho mọi người biết rằng chúng ta ở với Chúa Giê-su. Martin Luther đã nói rằng: “Tất cả chúng ta đều là thầy tế lễ.” “Và lời cầu nguyện của chúng ta như là hương thơm được xông lên cho Chúa.”
Thắp sáng ngọn đèn (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7-8). Giá đèn bảy nhánh bằng vàng đứng trước bức màn ở bên phải bàn thờ bằng vàng. Trách nhiệm của thầy tế lễ là loại bỏ những bấc đèn mỗi sáng sớm và thắp đèn mỗi buổi tối. Cây đèn này chính là để nói về ánh sáng của Đức Chúa Trời và lẽ thật được chiếu sáng qua dân Y-sơ-ra-ên đến với thế gian tội lỗi và tăm tối. Điều này có thể áp dụng để làm chứng cho Hội Thánh (Khải Huyền 1:9-20) cũng như làm chứng cho cá nhân tín hữu (Ma-thi-ơ 5:14-16). Một vài sinh viên tin rằng ngọn đèn này là tượng trưng cho Lời Chúa (Thi Thiên 119:105; II Phi-e-rơ 1:19).
Thầy tế lễ trông coi ngọn đèn có quan hệ tới chức vụ của ông tại bàn thờ xông hương là bởi vì lời cầu nguyện và lời làm chứng đi cùng nhau (Công Vụ 4:31) cũng giống như lời cầu nguyện và Lời Chúa (Công Vụ 6:4).
Ăn bánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:23-30; Lê-vi Ký 24:5-9). Vào ngày Sa-bát, thầy tế lễ đặt 12 lát bánh mì đặc biệt trên bàn trong nơi thánh và chỉ có các thầy tế lễ mới được phép ăn bánh này. Những lát bánh mì này nhắc nhở các thầy tế lễ rằng đồ ăn (thuộc thể và thuộc linh) đến từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-su Christos là “bánh sự sống” (Giăng 6:33); Ngài giống như mana, được sai xuống từ thiên đàng để đem lại sự sống thuộc linh cho thế gian. Nhưng Ngài cũng là “bánh thánh” trong đền thờ, được ban cho để duy trì sự sống. Chúng ta phải được nuôi lớn bởi Đấng Christos nếu như chúng ta muốn có sức mạnh thuộc linh chúng ta cần cho cuộc hành hương.
Tiến vào trong bức màn (Lê-vi Ký 16). Khi thầy tế lễ tiến đến bức màn chia nơi thánh và nơi chí thánh, ông phải dừng lại. Chỉ một năm một lần, vào Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ cả được phép đi qua bức màn và ra mắt trước sự hiện diện vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhưng tín hữu- thầy tế lễ ngày nay có thể bước vào trước sự hiện diện của Chúa bất kỳ lúc nào bởi vì con đường này đã được Đức Chúa Giê-su Christos mở ra (Hê-bơ-rơ 10:19-25). Trên thực tế, tín hữu- thầy tế lễ có đặc quyền sống “bên trong bức màn” mọi lúc.
Điều quan trọng chúng ta thấy sau tất cả mọi việc được diễn ra trong đền tạm. Chúng ta bắt đầu tại bàn thờ bằng đồng, đây là nơi huyết của con sinh tế bị đổ ra để làm sạch tội lỗi chúng ta. Sau đó chúng ta bước vào nơi thánh, đây là nơi chúng ta rửa sạch tay và chân trước khi chúng ta đến bàn thờ bằng vàng cầu nguyện. Chúng ta ăn bánh và châm đèn, nhưng chúng ta vẫn chưa dừng ở đây. Bức màn đã được mở và chúng ta có thể đi thẳng vào bên trong đến nơi chí thánh ngay trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Có gì ở trong nơi chí thánh vậy? Chiếc hòm giao ước nằm ở đây, tượng trưng cho ngai của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-22; Thi Thiên 80:1; 99:1). Nắp thi ân với thiên sứ ở trên hòm giao ước, và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tràn ngập nơi chí thánh. Đức Chúa Trời trị vì từ “ngai ân điển” này (Hê-bơ-rơ 4:14-16) và nói chuyện thân mật với con dân Ngài. Mỗi năm, vào ngày Lễ Chuộc tội, thầy tế lễ cả tưới huyết lên nắp thi ân để chuộc tội lỗi của Y-sơ-ra-ên. Khi Đức Chúa Giê-su chết, huyết Ngài đã cất tội lỗi của thế gian đi (Giăng 1:29).
Sách Hê-bơ-rơ có ba chủ đề chính đó là: (1) “Chúng ta hãy tấn tới” (trưởng thành thuộc linh, Hê-bơ-rơ 6:1), (2) “Chúng ta hãy bước vào” (sự thông công với Chúa, 10:19) và (3) “Chúng ta hãy ra đi” (xác nhận với Đấng Christos rằng đồng chịu sự sỉ nhục, 13:13). Chúng ta cần cả 3 chủ đề này để có một đời sống cân bằng.
Dâng của lễ thuộc linh (I Phi-e-rơ 2:5). Là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, chúng ta dâng những của lễ thuộc linh cho Ngài thông qua Đức Chúa Giê-su Christos là “bàn thờ” (Hê-bơ-rơ 13:10). Chữ thuộc linh không có nghĩa là “vô hình” bởi vì một vài đồ tế lễ chúng ta dâng hoàn toàn là hữu hình. Nói cho đúng, thuộc linh có nghĩa là “mang tính chất của linh hồn.” Nếu như người chưa được cứu dâng tế lễ này, thì những tế lễ đó không thuộc về linh hồn, và cũng không được Chúa chấp nhận.
Chúng ta đã ghi nhận rằng lời cầu nguyện là một tế lễ mà chúng ta dâng cho Chúa (Thi Thiên 141:1-3), và lời ngợi khen Chúa cũng vậy (Hê-bơ-rơ 13:15). Đức Chúa Trời coi những việc lành của chúng ta như những của lễ thuộc linh (Hê-bơ-rơ 13:16), cũng như tiền bạc mà chúng ta dâng để hầu việc Ngài (Phi-líp 4:14-18; Rô-ma 15:27). Đức Chúa Trời chắc chắn muốn thân thể của chúng ta cũng quy phục Ngài như một của lễ sống, chứ không phải là một của lễ chết (Rô-ma 12:1-2); và Ngài cũng muốn chúng ta dâng cho Ngài tấm lòng của chúng ta. (Thi Thiên 51:17).
Đưa dẫn người về với Đấng Christos cũng là một hành động thờ phượng thuộc linh (Rô-ma 15:16). Chữ “minister” (trông coi, hầu việc) và “ministering” (trông coi, hầu việc) bắt nguồn từ một chữ gốc Hy Lạp nghĩa là “hầu việc giống thầy tế lễ” và đem lại cho chúng ta một chữ tiếng Anh “liturgy” (nghi thức tế lễ). Phao-lô xem những người dân ngoại được biến đổi như một của lễ “dâng lên” cho Chúa (Ê-phê-sô 5:2; Hê-bơ-rơ 10:5, 8). Chúng ta hãy đưa việc truyền bá phúc âm đi xa nhất nếu có thể, vì khi chúng ta làm chứng cho người khác và đưa dắt họ về với Đấng Christos, là chúng ta đang thực hiện hoạt động thờ phượng Chúa. Làm chứng không phải là một “nghề bán hàng của Cơ Đốc Nhân”. Đây là một hành động thánh khiết của sự thờ phượng đem vinh hiển về cho Chúa.
3. Những Mối Hiểm Nguy: Làm Ô Uế Dòng Dõi Tế Lễ (Ma-la-chi 1:6-2:9) 
Bất cứ nơi nào có những đặc quyền thì cũng có cả những hiểm nguy và chẳng có sách nào trong Kinh Thánh lại chỉ rõ những hiểm nguy cho dòng dõi tế lễ rõ ràng hơn là sách Ma-la-chi (Chú ý 1:6; 2:1, 7). Những thầy tế lễ đã phạm phải những tội nào khi họ thi hành nhiệm vụ ở nơi đền thờ được dựng lại?
Mở đầu, họ làm ô danh Chúa bằng cách làm ô uế TÊN Ngài (1:6). Bằng cách nào ư? Bằng cách không dâng những của lễ tốt nhất trên bàn thờ. Họ dâng bánh ô uế và những của tế lễ không hoàn hảo và giữ cho mình những đồ tốt nhất. Ma-la-chi dùng những lời châm biếm thánh khiết khi ông nói, “Thử dâng những con vật bị ốm, bị tàn tật cho quan trấn thủ ngươi, thì người há đẹp lòng và vui nhận cho ngươi sao?” Khi chúng ta không muốn dâng những gì tốt nhất của mình cho Chúa, chúng ta đã làm ô uế dòng dõi tế lễ.
Công việc họ làm là vô ích; chẳng có lợi ích thuộc linh nào đến từ sự hầu việc của họ (Ma-la-chi 1:10). Có lẽ tốt hơn là nên đóng cổng đền thờ và dập lửa trên bàn thờ! Tại sao lại như vậy. Bởi vì chẳng có việc lành nào được trọn vẹn bởi sự hầu việc của họ. (Xem Ê-sai 1:10-15) Những thầy tế lễ bước đi bơ phờ và than vãn, “Ôi! Việc khó nhọc là dường nào.” (Ma-la-chi 1:13). Tốt hơn hết là các ngươi nên nóng hoặc lạnh chứ đừng hâm hẩm (Khải Huyền 3:16)!
Bi kịch lớn nhất là họ cướp mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (2:1-2; xem I Phi-e-rơ 2:9). Chức vụ giả hình của họ là một lời làm chứng khủng khiếp cho những quốc gia không thờ phượng Đức Chúa Trời quanh họ, những quốc gia đó cần biết một Đức Chúa Trời sống và có thật biết bao.
Vậy Chúa đã làm gì với những tội lỗi mà họ gây ra? Ngài rủa sả những phước lành của họ. Ngài chỉ đơn giản biến những phước lành trở thành sự rủa sả. Điều gì sẽ đem lại sự vui mừng cho họ và đất nước họ thay cho sự buồn rầu? Sau khi đi lễ ở đền thờ, mọi người trở về nhà trong điều kiện thuộc linh tồi tệ hơn cả lúc họ không tham gia thờ phượng. Thay vì mang theo hương thơm của những phước lành Chúa ban, thì họ lại bốc mùi phân thối (Ma-la-chi 2:3; so sánh với Giăng 12:1-8). Ôi chao ơi, thay vì dẫn dắt mọi người theo đúng đường, thì những thầy tế lễ này lại làm cho họ sảy chân (2:4-9). 
Đây không phải một bức tranh đẹp đẽ gì, nhưng không phải là một bức tranh cũ. Ngày nay chúng ta vẫn có những tội lỗi tương tự như vậy. Hãy xem lại những đặc ân mà bạn là một tín hữu- một thầy tế lễ và tự hỏi chính mình một cách thành thật rằng: “Liệu tôi có sử dụng những đặc ân này vì sự vinh hiển của Chúa chưa? Tôi có dâng của lễ tốt nhất lên bàn thờ chưa?” Có lẽ lý do mà Hội Thánh ngày nay ra đi làm chứng yếu ớt là bởi vì chúng ta là những thầy tế lễ đã bị tước mất những đặc ân, đặc quyền và đang sống dựa vào những người thay thế; và Đức Chúa Trời rủa sả những phước lành của chúng ta. 
Vậy có hy vọng nào không? Vâng, luôn luôn có hy vọng. Nếu chúng ta xưng tội mình ra và nói ra những nhu cầu của mình, Thầy Tế Lễ Cả Thượng Phẩm sẽ rửa sạch tội lỗi chúng ta và phục hồi lại những ơn phước thuộc linh cho chúng ta. 
“Ngài sẽ ngồi như kẻ luyện bạc và làm cho sạch; Ngài sẽ chùi các con trai Lê-vi, làm cho chúng nó sạch như vàng và bạc; chúng nó sẽ dâng của lễ cho Đức YAHWEH  trong sự công bình.” (Ma-la-chi 3:3, ).
Lúc thời đại thay đổi, Tiến sĩ G. Campbell Morgan đã giảng một loạt sứ điệp tại Moody’s Northfield Conference về chủ đề các sách Tiểu Tiên Tri. Trong sứ điệp của mình về Ma-la-chi, ông nói rằng, “Một số lớn các nước theo Đạo Thiên Chúa mang đặc điểm chung là chú trọng đến nghi lễ thờ phượng hơn là sống đạo, đến hình thức mà không có năng quyền. Như vậy liệu có giống với thế giới đầy máy móc ngày nay? Liệu một Hội Thánh của Đức Chúa Trời có chứa trong mọi ngóc ngách của nó những máy móc và máy móc, bánh xe và bánh xe, cơ quan và cơ quan? Vậy mà cho dù không có những máy móc này và những hoạt động của nó, thế gian ngu dốt này vẫn bám sát chúng ta rất nhanh.” (Các Tiểu Tiên Tri, Revell, 1960, 156).
Morgan cần phải nhìn thấy Hội Thánh ngày nay!
Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những thầy tế lễ thánh khiết là những người dâng hiến những của lễ thuộc linh làm vinh hiển danh Ngài. Liệu bạn có trở thành một trong số họ?  
 
(CÒN TIẾP)
Các bài viết khác
Mới đăng
Xem nhiều nhất
GIÁO HỘI BÁP-TÍT VIỆT NAM

Mạng Lưới Giáo Hội Báp-tít Việt Nam là một kênh truyền thông của Giáo Hội nhằm kết nối các Hội Thánh Báp-tít địa phương khắp nơi để kết hợp rao truyền tin lành và mong đợi kết quả cho Cứu Chúa Giê-Su.

Thông tin liên hệ

Địa chỉ: A11 KDC Bách Khoa, Nguyễn Duy Trinh

P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 08-6678-2754

Email: vanphongghbtvn@gmail.com

Hotline: 098.935.2340 - 0994620831

Website: www.giaohoibaptitvietnam.org

Facebook: Giáo Hội Báp-tít Việt Nam

Theo dõi