HÃY LÀ CHÍNH BẠN (Ch.2) MỘT CON CHIÊN TRONG BẦY CỦA CHÚA

Thứ Hai, 02-07-2018 | 10:20AM GMT+7
0

 Chương 2

MỘT CON CHIÊN TRONG BẦY CỦA CHÚA
Tôi lớn lên trong một đô thị lớn nơi đó mọi người thường nghĩ về chó và mèo nhiều hơn là họ nghĩ về con chiên (con cừu). Tôi không nhớ là tôi đã thấy một con chiên nào cho tới khi tôi học lớp 3 thì giáo viên của chúng tôi dẫn tôi đi thăm một trang trại. Tôi nhận thấy rằng ngày nay một vài vườn thú quốc gia có trưng bày mô hình trang trại để giúp trẻ con thành thị làm quen với những động vật mà chúng đọc được trong các cuốn sách. Đó là một ý tưởng tuyệt vời!
Nhưng mọi người trong thời của Kinh Thánh chẳng cần một triển lãm đặc biệt nào để dạy họ về con chiên. Nếu như bạn đến thăm Xứ Thánh ngày nay, bạn có thể thấy những bầy chiên và dê trong phạm vi của thành phố. Vợ tôi và tôi đã từng gặp một chàng trai Do Thái ăn nói có duyên ở Giê-ru-sa-lem, anh ấy đang trông nom bầy chiên của mình trong công viên của thành phố! Trong một dịp khác xe bus du lịch của chúng tôi phải dừng lại trong khi một vài người chăn chiên dẫn bầy đi ngang qua xa lộ. Tôi đã từng hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu như những chàng trai trẻ đó dẫn bầy chiên này đi ngang qua con đường nhộn nhịp xe cộ ở Chicago? Và tôi kết luận rằng điều đó sẽ dẫn đến việc dư thừa thịt cừu và sườn cừu trong chợ.  
“Tôi nghĩ chúng ta phải ngừng sử dụng hình ảnh con chiên khi chúng ta nói về các Cơ Đốc Nhân,” một người bạn của tôi là một người giảng lời Chúa đã nói với tôi như vậy. “Dân cư trong  đô thị kỷ nghệ ngày nay có thể sẽ không biết chúng ta đang nói về điều gì!”
Nhưng tôi nghĩ rằng bạn tôi đã sai. Một người không cần phải là nông dân mới biết được con chiên trông như thế nào hay chúng biểu tượng cho cái gì. William J. Lederer chẳng hề e ngại khi gọi cuốn sách nổi tiếng của ông ấy là, “A Nation of Sheep” (Đất Nước Của Con Chiên); và sứ đồ Phao-lô sử dụng hình ảnh bầy chiên khi ông tuyên bố trước các lãnh đạo nhà thờ ở thành phố lớn như Ê-phê-sô (Công Vụ 20:28-29). Những trưởng lão này đang sống trong một trung tâm đô thị tiến bộ ; nhưng Phao-lô vẫn nhắc nhở họ rằng họ đang chăn giữ những con chiên của Chúa. Tôi tin chắc rằng chúng ta cần phải nhấn mạnh hình ảnh này và không được từ bỏ nó; bởi vì nếu chúng ta thực sự hiểu được con chiên trong bầy chiên của Chúa là gì thì chúng ta mới có thể liên hệ được lẫn nhau; với những lãnh đạo Hội Thánh, và với Chúa của chúng ta. 
1.  Y-sơ-ra-ên, bầy chiên của Đức Chúa Trời
Dân tộc Do Thái tự hào rằng họ là bầy chiên đặc biệt của Chúa. Đức Chúa Trời được gọi là “Đấng chăn giữ Y-sơ-ra-ên” (Thi Thiên 80:1), và dân tộc họ là “dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài” (Thi Thiên 100:3). Khi Đức Chúa Trời đưa dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Ngài dẫn họ đi, “Chúa cậy tay Môi-se và A-rôn mà dẫn dắt dân sự Ngài như một đoàn chiên.” (Thi Thiên 77:20; và xem thêm Thi Thiên 78:52). Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Đa-vít trở thành vua của Y-sơ-ra-ên, Ngài chọn một người chăn chiên nhiều kinh nghiệm (Thi Thiên 78: 70-72). Khi đất nước bị suy tàn dưới tay vua A-háp, tiên tri Mi-chê “thấy cả Y-sơ-ra-ên bị tản lạc trên các núi, như bầy chiên không có người chăn” (I Các Vua 22:17 và xem thêm Mác 6:34). Khi suy ngẫm về sự giam cầm của người Ba-by-lon, tiên tri Giê-rê-mi đã khóc than khi ông thấy “bầy của Đức Giê-hô-va bị bắt đi.” (Giê-rê-mi 13:17).
 Dân Y-sơ-ra-ên xem Chúa như là Đấng chăn chiên và những lãnh đạo của họ như là, “những người chăn phụ,” là những người được Đức Chúa Trời trao cho quyền chăm sóc bầy chiên. Mối bận tâm lớn của Môi-se chính là Đức Chúa Trời chọn một người kế thừa cho ông, một ai đó đáng tin cậy sẽ dẫn dắt bầy chiên (Dân Số Ký 27:15-23). Các thầy tế lễ và các vị vua được xem là những người chăn chiên của Đức Chúa Trời, cho dù là một vài người trong số họ không trung tín trong “công việc của Mục sư ( Mục: người chăn, sư : thầy ) .” Tiên tri Giê-rê-mi buộc tội “các Mục sư ( nguyên văn : người chăn )” (những lãnh đạo tôn giáo và chính trị) là những người đã hủy diệt bầy chiên thay vì phục vụ chúng (Giê-rê-mi 23:1; 25:34-38), và tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng gửi một thông điệp tương tự tới “những kẻ chăn chiên giả” trong thời của ông (Ê-xê-chi-ên 34). Ngay cả vua Si-ru, một vị vua Ba Tư ngoại đạo, cũng được gọi là người chăn chiên (Ê-sai 44:28).
Trong các chính phủ không dân chủ ngày nay, thật khó cho chúng ta có thể tin rằng các lãnh đạo chính phủ là những người chăn chiên của Đức Chúa Trời. Có những thời điểm mà những người trong chính phủ này giống như những tay sai hay thậm chí là những kẻ trộm (Giăng 10:1-13). Y-sơ-ra-ên là dân tộc được Đức Chúa Trời chọn lựa. Và không có quốc gia nào ngày nay có thể đòi hỏi những đặc quyền mà đất nước Y-sơ-ra-ên được hưởng, đặc biệt là sự hiện diện của Đức Chúa Trời và những ơn phước mà Ngài đã lập giao ước với họ. Ngày nay những đặc quyền này thuộc về Hội Thánh của Ngài nằm rải rác trên khắp thế giới. Đức Chúa Trời đã lập nên những bậc cầm quyền, và chúng ta phải tôn trọng những người ngồi cầm quyền trong tổ chức này, cho dù chúng ta có bất đồng với họ (Rô-ma 13; I Phi-e-rơ 2:11-17). Nhưng nếu Đức Chúa Trời hoàn thành những ý định của Ngài thông qua một kẻ chăn chiên như Si-ru, thì chắc chắn Ngài có thể làm thành công việc của Ngài thông qua những người đàn ông và đàn bà trong văn phòng chính phủ ngày nay. Trách nhiệm của chúng ta là cầu nguyện cho họ (I Ti-mô-thê 2:1-4) và phục tùng dưới sự lãnh đạo của họ thì chúng ta mới có thể giữ được một lương tâm tốt lành hướng tới Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:11-17, 3:8-22).
 Y-sơ-ra-ên là một bầy chiên thường xuyên đi lạc và bất tuân mạng lệnh của Chúa. “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc” (Ê-sai 53:6) được nói về dân Y-sơ-ra-ên trước tiên, mặc dù điều này chắc chắn được áp dụng với mọi tội nhân trong mọi đất nước (I Phi-e-rơ 2:25). Chúa Giê-su thấy dân Do Thái như con chiên lạc mất, và Ngài tìm kiếm chúng với sự thương xót (Ma-thi-ơ 9:36). Thực tế là Ngài đã chết vì chiên. “Bởi sự ức hiếp và xử đoán, nên người đã bị cất lấy” (Ê-sai 53:8). Khi Ngài còn trên đất, Chúa Giê-su đã chăm sóc “những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 10:6,15). Ngày nay, dân tộc Y-sơ-ra-ên đã tản lạc khắp thế giới, nhưng một ngày kia Chúa sẽ gom bầy của Ngài lại và ban cho họ một Đấng Chăn Chiên để chăm sóc họ. (Ê-xê-chi-ên 37:24; Ma-thi-ơ 2:6, chữ dùng ở đây là  “người chăn”).
 
2.  Hội Thánh, bầy chiên của Đức Chúa Trời.
Y-sơ-ra-ên ngày xưa sống trong thời Cựu Ước, còn Hội Thánh ngày nay sống trong thời Tân Ước, “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 2:9; và chú ý Ma-thi-ơ 21:43). Đức Chúa Trời chắc chắn chẳng rời bỏ Y-sơ-ra-ên (Rô-ma 11:1), nhưng trong thời đại này, Ngài đang hành động thông qua Hội Thánh Ngài để đem Phúc Âm đến với mọi dân tộc. Hội Thánh là “bầy nhỏ” của Ngài (Lu-ca 12:32) được tạo nên bởi “con chiên bị lạc mất” mà Người Chăn Hiền Lành đã cứu (Ma-thi-ơ 18:10-14).
Tại sao Đức Chúa Trời lại so sánh con dân của Ngài với chiên?
a.      Chiên là loài vật nuôi “sạch” (Lê-vi Ký 11:1-8). Điều này có nghĩa là chúng được Đức Chúa Trời chấp nhận. Dĩ nhiên là không tội nhân nào có thể được chấp nhận do chính họ; chúng ta chỉ được chấp nhận nhờ ơn của Đấng Cứu Thế tức Chúa YAHUSHUA CHRISTOS
b.       (II Cô-rinh-tô 5:21; Ê-phê-sô 1:6). Nhưng không như những con chó và con lợn thường được cho là dơ dáy (II Phi-e-rơ 2:20-22), con chiên thích những đồng cỏ xanh tươi và mé nước bình tịnh. Bản tính tự nhiên của một động vật quyết định khao khát của nó, và lẽ tự nhiên là con chiên khao khát đồng cỏ chứ không phải là đống rác. “Phàm người kêu cầu danh Chúa thì phải tránh khỏi sự gian ác.” (II Ti-mô-thê 2:19).
b. Chiên biết người chăn của chúng. Chúa Giê-su nói: “Ta là người chăn hiền lành, và ta quen chiên ta, và chiên ta quen ta.” (Giăng 10:14). Những người chăn chiên Đông Phương đã có một mối quan hệ mật thiết với con chiên của họ và biết tên chúng (Giăng 10:3,27) và biết tính cách và nhu cầu của chúng. Họ có thể gọi chúng bằng tên theo cách tôi và bạn gọi một đứa trẻ hoặc một con chó cưng. Con chiên quen giọng của người chăn và tuân theo, nhưng chúng sẽ không đi theo nếu chúng nghe thấy một giọng khác (Giăng 10:3-4).
Có nhiều giọng nói kêu gọi chúng ta ngày nay, và một vài giọng trong đó nghe có vẻ “ngoan đạo”. Nhưng một đứa con thật của Đức Chúa Trời sẽ không nghe theo khi anh ta nghe thấy giọng của những người lạ (Giăng 10:5). Giọng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta ngày nay chính là Lời Chúa, được dạy dỗ bởi Đức Thánh Linh (Khải Huyền 2:7,11,17). Bất kỳ “kẻ chăn chiên” tự xưng nào chối bỏ Lời này đều là kẻ chăn chiên giả, là một tên trộm, một tên cướp; và nguy hiểm đối với bầy chiên. Những tiên tri giả là “sói đội lốt chiên” (Ma-thi-ơ 7:15) là những kẻ sẽ dụ dỗ lôi kéo con chiên của Đấng Christos nếu họ có cơ hội.
Thật đáng khích lệ khi biết rằng Đấng Christos biết tên mỗi con chiên của Ngài. Nhớ tên người luôn là một vấn đề đối với tôi, tôi đúng là chẳng biết làm sao trả lời ai đó khi họ đến gần và nói, “Xin chào! Anh có nhớ tôi không?” Chúa của chúng ta không gặp vấn đề như vậy và chúng ta không phải đeo bảng tên để giúp Ngài nhận ra chúng ta. Chúng ta có thể chỉ là những số liệu thống kê, những con số đối với những chiếc máy tính, nhưng chúng ta là những con người quý giá đối với Đấng Chăn Chiên của chúng ta. Chúa biết chiên của Ngài cách cá nhân.
c. Chiên rất cần người chăn. Thông thường, chiên là những động vật yếu ớt, hay sợ hãi, và hay đi lạc. Không giống như thú ăn thịt, hay thậm chí là dê, chiên cần ai đó hướng dẫn và bảo vệ chúng nếu không chúng sẽ gặp rắc rối. Không có sự yêu thương chăm sóc của người chăn, bầy chiên sẽ không tự lực được. “Hỡi Đức YAHWEH, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Tại sao lại như vậy? Giê-rê-mi đã cho chúng ta câu trả lời: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9). Nếu chúng ta không theo Người Chăn Chiên của mình, thì chúng ta sẽ đi lạc rất nhanh (I Phi-e-rơ 2:25).
Cũng như người Y-sơ-ra-ên có những người chăn phụ để chăm lo những công việc của đất nước, thì Hội Thánh địa phương cũng có các mục sư để chăm lo thuộc linh và bảo vệ bầy chiên (Ê-phê-sô 4:11). Trong ngôn ngữ tiếng Anh chữ “Mục sư” (pastor) bắt nguồn từ tiếng La-tinh “người chăn” (shepherd) và nó có nghĩa tương đương với chữ  “trưởng lão” (elder) và “giám mục” (bishop) hay là “kẻ coi sóc” (overseer) (Công Vụ 20:17, 28). Mục sư của Hội Thánh địa phương chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời và con dân Ngài, và chức vụ của ông ấy không thể bị xem nhẹ. Đó không phải là một công việc cho người mới vào nghề hay là cho người nào đó không có đủ phẩm chất được mô tả trong Kinh Thánh (I Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9). Chỉ cần Mục sư tuân giữ Lời Chúa và theo Chúa thì con chiên sẽ theo ông ấy (I Cô-rinh-tô 11:1; Hê-bơ-rơ 13:7-8, 17).
d. Chiên là động vật hữu ích. Trong thời của Thánh Kinh, người chăn chiên giữ bầy chiên của mình không phải là để ăn thịt, bởi vì thịt là một thức ăn xa xỉ với người Do Thái. Ông ấy muốn con chiên còn sống vì ông ấy thu lợi từ lông chiên cũng như là những con chiên non. Con chiên được giết thịt trong lễ Vượt Qua và những dịp lễ của gia đình và thỉnh thoảng để dâng tế lễ cho Chúa. Nhưng thông thường, con chiên được bảo vệ như là một tài sản có giá trị của gia đình. Mất một con chiên hay con chiên non là mất đi một thứ quý giá đối với gia đình.
Chắc chắn là Người Chăn Hiền Lành có quyền mong đợi con chiên của Ngài hữu ích với Ngài. “Hay là có ai chăn bầy vật mà không dùng sữa nó để nuôi mình?” (I Cô-rinh-tô 9:7). Để bù lại tất cả những gì Ngài ban và làm cho chúng ta thì chúng ta là con chiên của Đức Chúa Trời, chúng ta phải dùng hết khả năng của mình để đền ơn Ngài. Được xén lông hay sinh con là điều tốt cho con chiên. Con chiên của Đấng Christos nên là “những con sinh tế” sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài cho dù cái giá phải trả là gì (Rô-ma 8:36; 12:1-2). Nếu tất cả những gì chúng ta làm là hưởng thụ “đồng cỏ xanh tươi” và “mé nước bình tịnh” (Thi Thiên 23:2), và chẳng làm gì để phục vụ Ngài, thì chúng ta thật là ích kỷ và vô dụng.
e. Chiên tụ tập lại với nhau. Bản tính tự nhiên của con chiên là muốn ở với bầy, và bản tính tự nhiên của tín hữu là muốn ở cùng người khác. Trong Tân Ước chẳng nói gì về đời sống của một Cơ Đốc Nhân tách biệt. Trong những ngày đó khi một người tin Đấng Christos, người ấy phải tỏ ra bằng cách xưng nhận mình với những tín hữu khác. Một con chiên đơn độc không chỉ gặp nguy hiểm mà chính nó cũng là mối nguy hiểm vì nó có thể dẫn con chiên khác đi lạc. Một nơi chốn an toàn, đầy đủ và để phục vụ Chúa chính là ở với bầy chiên của Ngài. 
3. Đấng Christos, Người Chăn Chiên
Kinh Thánh thuật lại chức vụ chăn bầy của Chúa YAHUSHUA Christos theo ba quan điểm. Là Người Chăn Hiền Lành, Ngài đã chết vì chiên mình (Giăng 10:11, 15, 17-18); là Đấng Chăn Chiên Lớn, Ngài sống vì con chiên để khiến con chiên trở nên trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 13:20-21); và là Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên, Ngài sẽ trở lại gom bầy chiên của mình và đem chúng lên thiên đàng (I Phi-e-rơ 5:1-4). Cả ba danh xưng của người chăn chiên này mô tả trọn vẹn chức vụ của Chúa cho chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những sinh viên Thần học đã nhận ra rằng có một sự tương đồng giữa ba danh xưng về người chăn chiên của Chúa và Thi Thiên 22, 23, 24. Thi Thiên 22 mô tả Người Chăn Hiền Lành là người chết vì chiên mình, Thi Thiên 23 kể cho ta nghe về sự cung ứng và bảo vệ bầy chiên của Đấng Chăn Chiên Lớn, chức vụ của Ngài với chúng ta là “trọn đời.” Thi Thiên 24 là một Thi Thiên đắc thắng loan báo cho mọi người biết một vị Vua quang lâm, Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên, người sẽ đánh bại những kẻ thù của Ngài và thưởng cho con dân của Ngài.
a. Người Chăn Hiền Lành (Giăng 10; Thi Thiên 22). Khi Chúa Giê-su tự gọi mình là một “người chăn chiên”, thì Ngài đã tự nhận mình là một trong những người bị ruồng bỏ trong xã hội thời bấy giờ. Một trong những lời bình luận của người Do Thái về Thi Thiên 23 chép rằng, “Chẳng có địa vị của ai trên thế giới lại thấp kém như người chăn chiên.” Những người chăn chiên bị xếp vào hàng trộm cắp. Người Do Thái sùng đạo chẳng giao dịch với người chăn chiên, và các quan án không yêu cầu người chăn chiên làm chứng trước tòa. Vậy mà Chúa Giê-su lại tự gọi mình là một người chăn. Thực vậy, Ngài là bạn của những người bị xã hội ruồng bỏ (Lu-ca 5:27-32; 15:1-2).
Chữ “hiền lành” mang nghĩa của chữ  “đẹp, cao thượng, vô tội”. Nhiều con người vĩ đại trong Thánh Kinh từng là những chăn chiên –A-bên người đầu tiên chết vì đạo; tổ phụ Đa-vít –nhưng không có ai vĩ đại hơn Chúa Giê-su Christos; Con của Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, con chiên chết cho người chăn; nhưng dưới thời Tân Ước, Người Chăn Chiên chết vì con chiên. Chúa Giê-su không bị giết chết cũng không phải bị hành hình vì đạo. Ngài tự từ bỏ chính mình vì con chiên. Huyết của con chiên chẳng thể nào tương xứng với tội lỗi của con người, nhưng dòng huyết của Đấng Christos làm trọn công cuộc cứu chuộc (Hê-bơ-rơ 10:1-14).
Nhưng nếu chúng ta, con dân của Chúa, là con chiên, liệu có nguy hiểm không nếu chúng ta đi lang thang và bị lạc? Sẽ không như vậy khi Chúa YAHUSHUA CHRISTOS là Người Chăn Hiền Lành của chúng ta! Ngay lúc bắt đầu, khi chúng ta tin Ngài, chúng ta nhận lãnh sự sống đời đời; và tự điều đó đã đảm bảo chúng ta được an ninh, an toàn. Sự sống đời đời cũng là một món quà. Món quà đó chẳng phải là thứ mà chúng ta kiếm được bằng những việc làm thiện lành của mình.   Nếu chúng ta không thể được cứu bởi làm việc lành, thì làm sao chúng ta có thể bị hư mất bởi làm việc ác ? Hơn nữa, Chúa ban cho chúng ta lời hứa của Ngài, “Nó chẳng chết mất bao giờ” (Giăng 10:28-29). Nếu chúng ta đi lạc, chúng ta có thể chắc chắn rằng Ngài sẽ tìm kiếm chúng ta và mang chúng ta trở lại với bầy và chuồng chiên. Sự bảo đảm này không dùng để bào chữa cho tội lỗi và sự bất tuân, nhưng đó là một sự khích lệ khi Sa-tan buộc tội chúng ta và nói với chúng ta rằng chúng ta không có hy vọng bởi vì chúng ta bất tuân Người Chăn. 
“Tôi xiêu lạc khác nào con chiên mất: 
Xin hãy tìm kiếm kẻ tôi tớ Chúa, 
Vì tôi không quên điều răn của Chúa” (Thi Thiên 119:176).
Là Người Chăn Hiền Lành, Chúa Giê-su Christ tự nguyện chết vì chiên một cái chết khủng khiếp được mô tả trong Thi Thiên 22:1-21 (Câu 22-31 liên quan tới sự Phục Sinh của Ngài; xem thêm Hê-bơ-rơ 2:12). Chúng ta gần như có thể nhìn thấy đám đông nổi loạn tụ tập quanh thập tự, giống như những động vật hoang dã. Và gần như chúng ta có thể nghe thấy những tiếng la hét nhạo báng, khinh miệt của họ. Nhưng Người Chăn Hiền Lành chẳng đáp lại sự sỉ nhục của họ (I Phi-e-rơ 2:18-23). Thay vì thế, Ngài cầu nguyện cho họ và nài xin Cha tha thứ cho họ (Lu-ca 23:34).
b. Người Chăn Chiên Lớn (Hê-bơ-rơ 13:20-21; Thi Thiên 23). Là Người Chăn Chiên Lớn, Chúa chúng ta làm trọn công cuộc cứu chuộc và trên thập tự Ngài đã mua con dân Ngài (Giăng 17:4; 19:30). Sau đó, Ngài trở về với Cha trên thiên đàng và nhận chức vụ mới trở thành Người Chăn Chiên Lớn, là người làm cho con dân của Ngài được trọn vẹn. Chúa Giê-su đang làm gì trên thiên đàng ngày nay? Ngài đang chăm sóc con dân Ngài và làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của các tín đồ (Hê-bơ-rơ 4:14-16; 8:1-2) và cũng là Đấng Cầu Thay (I Giăng 2:1-2). Ngài ngự trên ngai ân điển, không phải ngai đoán phạt; và Ngài làm việc trong chúng ta và thông qua chúng ta để làm thành ý muốn Ngài.
Nhóm chữ  “khiến anh em nên trọn vẹn” trong sách Hê-bơ-rơ 13:21 là một chữ được dịch từ tiếng Hy Lạp katartidzo là một chữ xa lạ với hầu hết mọi người ngày nay, nhưng lại rất quen thuộc với người nói tiếng Hy Lạp trong Hội Thánh thời xưa. Đối với những người lính nó có nghĩa là “trang bị cho quân đội chuẩn bị chiến đấu,” và đối với các thủy thủ nó mang nghĩa là “trang bị vật dụng cho tàu chuẩn bị đi xa”, trong lãnh vực y khoa nó nghĩa là “xếp lại xương bị gãy” hay là “đặt lại chi thể ”; và với ngư dân nó có nghĩa là “vá lưới” (Ma-thi-ơ 4:21). Những sắc thái tuyệt vời của chữ này giúp chúng ta hiểu điều mà Người Chăn Chiên Lớn muốn làm thành trong đời sống của chúng ta. 
Trước hết, Ngài muốn trang bị cho chúng ta ra trận và trang bị cho chúng ta bắt đầu hành trình của cuộc đời. Thật sai lầm nếu người lính ra trận mà không có áo giáp, hay thủy thủ ra khơi mà không trang bị vật dụng cho tàu khởi hành! Khi Ngài chăm sóc chúng ta từ trên thiên đàng, Đấng Chăn Chiên Cả của chúng ta muốn “xếp lại những xương bị gãy” trong đời sống thuộc linh của chúng ta và sắp xếp chúng ta trở thành những chi thể trong thân thể của Ngài, tức là Hội Thánh. Ngài tìm cách “vá” chúng ta lại để Ngài có thể sử dụng chúng ta hiệu quả như “những tay đánh lưới người”.
Chúa sử dụng khí cụ nào để làm cho chúng ta trở nên trọn vẹn? Chính yếu là, Ngài dùng Lời Chúa (II Ti-mô-thê 3:16-17) và sự thông công của Hội Thánh địa phương (Ê-phê-sô 4:11-16). Nhưng Ngài cũng dùng sự cầu nguyện (I Tê-sa-lô-ni-ca 3:10) và thậm chí là chịu khổ (I Phi-e-rơ 5:10). Mỗi tín hữu hãy sẵn sàng để Chúa giúp những tín hữu đã phạm tội được trọn vẹn. (Ga-la-ti 6:1). Mục đích của giáo điều trong Hội Thánh là để cải hóa người có tội, không phải là hủy diệt họ. Nó như là xếp lại một cái xương bị gãy trong thân thể của Đấng Christ –và điều này yêu cầu sự kiên nhẫn và mềm mại.
Mục đích của chức vụ làm anh em trọn vẹn này là để hầu việc Ngài. Nếu chúng ta không trưởng thành trong ân điển thì chúng ta làm sao có thể phô bày chúng ra và nhận những lời khen ngợi từ mọi người được. Hãy nhớ rằng; chúng ta là con chiên chứ không phải là những bức tượng. Và chúng ta có bổn phận phải trở nên hữu ích cho Người Chăn Chiên. Ngài muốn làm việc trong lòng chúng ta để qua chúng ta mà Ngài hoàn thành ý muốn của Ngài trên đất. Nếu như sự nên thánh của mỗi cá nhân chẳng đem lại kết quả là phục vụ người khác và dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời thì đó chỉ là ra vẻ ngoan đạo mà thôi.
Thi Thiên 23 thường được đọc tại các lễ tang, chính là bởi lời hứa yên ủi được thấy trong câu 4; nhưng điều mà Thi Thiên này thực sự mô tả chính là những gì mà Đấng Chăn Chiên Lớn đã làm cho chúng ta “trọn đời tôi [của chúng ta]” (câu 6). Thi Thiên này giải thích rằng chức vụ của Chúa đối với chiên của Ngài là trong hiện tại cũng như trong tương lai, và đó là điều mà Ngài làm trong những ngày chúng ta còn sống cũng như trong giờ chúng ta sắp chết. Thi Thiên mở đầu với một câu khẳng định –“Chúa là đấng chăn giữ tôi” –và sau đó chỉ ra hai sự bảo đảm dựa trên khẳng định này: “Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì” và “Tôi chẳng sợ tai họa nào.” Bởi vì Chúa là Đấng Chăn Chiên Lớn của chúng ta, chúng ta được cung ứng mọi nhu cầu (câu 1-3) và được Ngài bảo vệ (câu 4-6), được no đủ và an toàn.
Là chiên của Ngài, chúng ta có thể không phải lúc nào cũng hiểu người chăn đang làm gì, nhưng chúng ta biết chúng ta có thể tin Ngài. Cho dù trong đồng cỏ, trên bờ hồ, hay trên đường, Ngài luôn chăm sóc cho chúng ta và đáp ứng mọi nhu cầu. Tại sao lại như thế? “Vì cớ danh Ngài.” (Câu 3). Tất cả những gì mà Ngài làm cho chiên Ngài là để vinh hiển danh Ngài. (Xem Ê-phê-sô 1:6, 12,14). Chúa của chúng ta có nhiều thứ để mất hơn chúng ta nếu như Ngài thất bại. Chúng ta không thấy điều đó ngay lúc này, nhưng một ngày kia ở nơi vinh hiển chúng ta sẽ nhìn lại và xem “những điều phước hạnh và sự thương xót” đã theo chúng ta trọn đời! Đây chính là phiên bản mang tên Đa-vít như trong Rô-ma 8:28.
Người Chăn Hiền Lành chết vì chiên còn Đấng Chăn Chiên Lớn sống vì chiên, để bảo vệ chúng, làm cho chiên trở nên trọn vẹn, và dẫn lối cho chiên Ngài. Người Chăn Hiền Lành hy sinh mạng báu của mình vì chiên, còn Đấng Chăn Chiên Lớn ban sự sống của Ngài cho chiên. Bầy chiên có được sự sống đời đời và dư dật (Giăng 10:10, 28), an toàn và no đủ. Tất cả những gì chiên cần phải làm là ở gần Người Chăn Chiên và theo Ngài, lắng nghe tiếng gọi của Ngài và tuân theo lời Ngài.
c. Đấng Làm Đầu Những Kẻ Chăn Chiên (I Phi-e-rơ 5:4; Thi Thiên 24).Một ngày kia Đấng Làm Đầu Những Kẻ Chăn Chiên sẽ trở lại, kêu bầy chiên của Ngài lại, và đem chúng lên thiên đàng. Ngài sẽ đến như Vua Vinh Hiển, đánh bại tất cả những kẻ thù của Ngài, và thành lập vương quốc của Ngài. Ngài sẽ thưởng những người chăn chiên phụ với mão triều thiên vinh hiển đời đời. Dù cho không phải tất cả các Cơ Đốc Nhân đồng ý về chi tiết của những sự kiện "Chúa tái lâm" được tiên tri, thì họ đều đồng ý về lời hứa Chúa sẽ đến, và họ cầu nguyện cho điều đó và sống với hy vọng đó. Khi chúng ta gặp Chúa YAHUSHUA CHRISTOS, chúng ta sẽ được kinh nghiệm đầy trọn về “một bầy và một người chăn” (Giăng 10:16).
Chúng ta vẫn sẽ là những con chiên quý báu trên thiên đàng, vì “Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng” (Khải Huyền 7:17). Trong vương quốc công bình của Ngài “Ngài sẽ cai trị họ bằng một cây gậy sắt” (Khải Huyền 19:15). Thi Thiên 24 mô tả Chúa chúng ta như chiến binh đắc thắng và Vua Vinh Hiển, và chúng ta sẽ đồng trị với Ngài.
Trong lúc đó, là chiên của Ngài, được chuộc bởi huyết của Ngài, chúng ta có những trách nhiệm cần phải hoàn thành.
a. Đầu tiên, chúng ta phải chú ý đến tiếng Người Chăn vì Ngài nói với chúng ta bằng Lời Ngài (Giăng 10:3-5). Chúng ta sẽ không nghe thấy rõ giọng người nói chuyện với chúng ta phải làm gì. Nhưng chúng ta có thể khám phá sự dẫn dắt của Ngài khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh, suy gẫm Lời Ngài, cầu nguyện, và tuân theo những gì Ngài bày tỏ. Chúng ta phải theo Ngài từng bước và sống vì Ngài mỗi ngày, hãy để Ngài lập kế hoạch cho tương lai và chuẩn bị chúng ta cho kế hoạch đó.
b. Điều thứ hai, chúng ta phải ở gần Người Chăn, dù cho Ngài dẫn chúng ta đi đâu. Ngài có thể hướng dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh, và mé nước bình tịnh. Hay là Ngài có thể dẫn chúng ta tiến thẳng vào thung lũng tối tăm. Chúng ta không được để cho hoàn cảnh làm mình sợ hãi, hoặc dụ dỗ chúng ta không dõi theo Ngài. Một khi chúng ta rời mắt đức tin khỏi Người Chăn Chiên, chúng ta sẽ bắt đầu đi lạc. Ai đó đã nói rằng, “Khó khăn trở ngại là những thứ kinh khủng khi chúng ta rời mắt khỏi Chúa”. Điều đó mới đúng làm sao!
c. Điều thứ ba, nếu chúng ta đi lạc, chúng ta gào thét xin Chúa giúp đỡ, và tin rằng Ngài sẽ sửa lại. Phi-e-rơ đã chối Chúa 3 lần, nhưng Chúa vẫn tìm ông, tha thứ cho ông, và phục hồi ông (Mác 16:7; Lu-ca 24:34). Trong thực tế, Chúa còn giao cho Phi-e-rơ chức vụ chăn bầy của Ngài (Giăng 21).
d. Điều thứ tư, chúng ta phải trở thành một phần của bầy chiên Ngài, theo sau sự lãnh đạo thuộc linh của những người chăn mà Ngài đã chọn. Không có bầy chiên nào là hoàn hảo; nhưng mỗi bầy chiên đều quan trọng. Con chiên đơn độc luôn ở trong nguy hiểm; dù cho chúng nghĩ chúng có nhiều kinh nghiệm như thế nào. “Hầu hết mọi người không muốn sống ở nơi không có nhà thờ,” Vance Havner đã viết vậy, “nhưng rất nhiều người trong số họ sống như thể không có nhà thờ vậy.” Đó là bản tính tự nhiên của chiên muốn sống thành bầy với nhau.
e. Điều cuối cùng, chúng ta phải trở nên có ích với Người Chăn Chiên. Không phải ai cũng được kêu gọi để trở thành Mục sư, nhưng mỗi tín hữu được kêu gọi sử dụng những món quà (ân tứ) thuộc linh mà Chúa ban cho (I Phi-e-rơ 4:10). Nếu mỗi chi thể trong bầy chiên trung tín đi theo Ngài, chăm sóc nhau, và phục vụ Ngài, bầy chiên sẽ trở nên mạnh mẽ và sẽ được nhân lên. Khi chúng ta theo Người Chăn Chiên, chúng ta tự nhiên sẽ gần gũi với những người khác cũng là những người theo Ngài. Và điều này đem lại cho ta một tình yêu thương lớn hơn và một chức vụ tốt hơn cho người khác.
Khi Tiến sĩ Handley Moule làm giám mục xứ Durham, ông đã làm một vài điều khác lạ với những giám mục khác trong thời đó: ông ấy lái một chiếc xe. Bảng số của chiếc xe đó là J1011. Và vị giám mục này “giải nghĩa” bảng số đó nghĩa là Giăng 10:11, “Ta là Người Chăn Hiền Lành: Người Chăn Hiền Lành vì chiên mình phó sự sống mình.” 
Chúa YAHUSHUA CHRISTOS là Người Chăn Hiền Lành và Ngài cũng là Đấng Chăn Chiên Lớn và là Đấng Đứng Đầu Những Kẻ Chăn Chiên.
Còn bạn có phải là một trong những con chiên của Ngài?
 
(CÒN TIẾP)
 
 
Các bài viết khác
Mới đăng
Xem nhiều nhất
GIÁO HỘI BÁP-TÍT VIỆT NAM

Mạng Lưới Giáo Hội Báp-tít Việt Nam là một kênh truyền thông của Giáo Hội nhằm kết nối các Hội Thánh Báp-tít địa phương khắp nơi để kết hợp rao truyền tin lành và mong đợi kết quả cho Cứu Chúa Giê-Su.

Thông tin liên hệ

Địa chỉ: A11 KDC Bách Khoa, Nguyễn Duy Trinh

P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 08-6678-2754

Email: vanphongghbtvn@gmail.com

Hotline: 098.935.2340 - 0994620831

Website: www.giaohoibaptitvietnam.org

Facebook: Giáo Hội Báp-tít Việt Nam

Theo dõi