HÃY LÀ CHÍNH BẠN (Ch.4) MỘT CHI THỂ TRONG THÂN THỂ CỦA ĐẤNG CHRIST

Thứ Bảy, 14-07-2018 | 10:25AM GMT+7
0

 Chương 4

Một Chi Thể Trong Thân Thể Của Đấng Christ
Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt bớ ta? Khi Đức Chúa Giê-su Christos cao quý hỏi Sau-lơ câu hỏi này (Công Vụ 9:4) ông khám phá ra một lẽ thật vĩ đại. Đó là khi ông ra tay với con dân Chúa thì ông cũng ra tay với Con của Đức Chúa Trời. Con dân Ngài đã hiệp một với Ngài như là các chi thể hiệp một trong một thân thể vậy. Đức Chúa Giê-su Christos là “làm đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christos, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài.” (Ê-phê-sô 1:22-23) và mỗi Cơ Đốc Nhân là một chi thể trong thân của Đấng Christos.
Nhưng như vậy điều này có nghĩa là gì? Điều khác biệt nào làm cho chúng ta là những tín hữu nghĩ rằng chúng ta là những chi thể trong thân Ngài và cũng là “các phần chi thể của nhau.” (Rô-ma 12:5)? Năm chữ chính yếu  giúp ta đưa ra câu trả lời là: sức sống, sự hiệp một, sự khác biệt (đa dạng), sự trưởng thành và chức vụ. Những chữ này chỉ những bổn phận của một tín hữu cần phải làm được để dâng vinh hiển cho Chúa.
1. Sức Sống
Sự hiệp một của tín đồ với Đức Chúa Giê-su Christos là sự hiệp một đang sống. Khi chúng ta tin Đức Chúa Giê-su Christos là Đấng Cứu Thế, thì Thần của Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta đời sống thuộc linh và đem chúng ta vào trong thân của Đấng Christos. “Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (I Cô-rinh-tô 12:13). Phải biết rằng không phải tự chúng ta đưa chính chúng ta vào trong thân thể của Ngài mà cũng không có tín hữu nào khác làm điều đó cho chúng ta bằng những phương cách của nghi thức tôn giáo. Công việc này hoàn toàn được Đức Thánh Linh hoàn thành một mình để đáp lại đức tin của chúng ta vào Đức Chúa Giê-su Christos.
 Chữ  “chịu phép báp-têm” trong I Cô-rinh-tô 12:13 làm một vài người lầm lẫn, và điều này có thể thông cảm được là bởi vì chúng ta thường gắn liền chữ này với nước. Nhưng trong tiếng Hy Lạp chữ baptizo (dìm vào nước) có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo nghĩa đen chữ này có nghĩa là: “dìm, nhận chìm, nhúng”. Còn về nghĩa bóng thì như Phao-lô đã dùng trong I Cô-rinh-tô 12:13. Đức Thánh Linh đã nhận biết chúng ta thuộc về Đấng Christos và làm cho chúng ta trở thành một phần của thân thể Ngài khi chúng ta tin Đấng Cứu Thế.
Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta không tự làm báp-têm cho chính mình được; mà chính Đức Thánh Linh làm điều đó. Mọi tín hữu đều có đã trải qua và điều này xảy ra chỉ một lần, đó là vào thời điểm diễn ra sự biến đổi. Đây chẳng phải là kinh nghiệm được biến đổi thần thánh chỉ dành riêng cho một nhóm những “thánh đồ chí thánh”. Phao-lô đã nói rằng tất cả mọi tín hữu đều được báp-têm, chứ chẳng phải chỉ một số ít người.
Phao-lô chẳng bao giờ yêu cầu những tín hữu phải chịu phép báp-têm bởi Đức Thánh Linh. Ông đưa ra lời khuyên bảo chúng ta phải được đầy rẫy Đức Thánh Linh, vì kinh nghiệm đó phải được nhắc lại khi chúng ta làm chứng và phục vụ Chúa (Ê-phê-sô 5:18; Công Vụ 2:4; 4:8; 31). Lẫn lộn giữa việc báp-têm một lần là đủ cả với việc tiếp tục được đầy dẫy Đức Thánh Linh là lẫn lộn giữa sự cứu chuộc với sự hầu việc và địa vị của chúng ta trong Đấng Christos với sức lực đến từ Đấng Christos.
Sự làm chứng của Đức Thánh Linh trong chúng ta là bằng cớ chứng tỏ chúng ta thực là con cái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:9, 16). Làm thế nào mà Đức Thánh Linh làm chứng cho chúng ta được? Một điều thôi, Ngài nói chuyện với chúng ta qua Lời Chúa, soi sáng cho chúng ta từng trang và dạy chúng ta những lẽ thật của Lời Chúa. Ngài cũng làm chứng cho chúng ta thông qua sự liên lạc với những con cái Chúa khi chúng ta cầu nguyện và thờ phượng cùng nhau. Ngài ban cho chúng ta cảm giác “gần gũi, thân thiết”. Chúng ta yêu con dân của Đức Chúa Trời và muốn ở cùng họ. Đức Thánh Linh cũng làm chứng thông qua chúng ta và cho chúng ta quyền phép chia xẻ về Đấng Christos với những người bị hư mất (Công Vụ 1:8). Làm chứng chẳng phải là thứ chúng ta có thể tự làm được bằng sức lực của chính mình. Chính Đức Thánh Linh đã giúp chúng ta làm chứng cho họ và chúng ta làm điều đó một cách tự nhiên chứ không phải bắt buộc.
Một Cơ Đốc Nhân không phải là người cố gắng noi gương Chúa Giê-su. Một Cơ Đốc Nhân phải là người được Đấng Christos nhận biết như là một chi thể trong thân thể của Ngài và sức sống của Đấng Christos tuôn chảy trong người đó. Người ấy sẽ có mối liên kết sống động với Con của Đức Chúa Trời vinh hiển qua sự đầy dẫy Thánh Linh. (Cô-rinh-tô 6:19-20; Ga-la-ti 2:20). Điều này nghĩa là người ấy có một đời sống thuộc linh đầy sức sống khi người ấy hút lấy nhựa sống từ Chúa. “Thánh Linh của sự sống đã nhờ Đức Chúa Giê-su Christos” (Rô-ma 8:2) làm người ấy tuân theo ý muốn của Đức Chúa Trời và sinh bông trái vì sự vinh hiển của Ngài (Ga-la-ti 5:22-23).
Điều này đem chúng ta đến với bổn phận đầu tiên của Cơ Đốc Nhân: phải gìn giữ một mối thông công gần gũi với Chúa thì sự sống và quyền năng của Đấng Christos mới thêm sức cho bạn khi đi đường, làm việc, làm chứng và cả trong cuộc chiến thuộc linh của bạn.
2. Sự Hiệp Một
“Chỉ có một thân thể” (Ê-phê-sô 4:4). Có nhiều “thân thể Hội Thánh địa phương”, nhưng tất cả các tín hữu thực đều là chi thể của một thân mà Đức Chúa Giê-su Christos làm đầu. Là những Cơ Đốc Nhân chúng ta có thể khoác lên mình nhiều danh tự giáo phái khác nhau, nhưng tất cả chúng ta thuộc về Đấng Christos và thuộc về nhau trong sự hiệp một thuộc linh được lập ra bởi Đức Chúa Trời. Bổn phận của chúng ta là phải nỗ lực “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 4:3).
 Trong Ê-phê-sô 4:4-6 Phao-lô đã lập danh sách 7 sợi dây giúp con dân Chúa hiệp một:
* Một thân: Hội Thánh
* Một Thánh Linh: Đức Thánh Linh được sai xuống từ Cha
* Một hy vọng: sự trở lại của Đức Chúa Giê-su Christos (Tít 2:13)
* Một Chúa: là Đức Chúa Giê-su Christos của chúng ta (xem thêm I Cô-rinh-tô 12:3)
* Một đức tin: là giáo lý căn bản cho Cơ Đốc Nhân được truyền đạt bởi các sứ đồ (Giu-đe 3; 1 Ti-mô-thê 6:20-21)
* Một báp-têm: Báp-têm bởi Thánh Linh
* Một Đức Chúa Trời: Cha của mọi người
Từ đây, chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa sự hiệp một và sự đồng đều. Sự hiệp một đến từ sức sống bên trong và là một vật sống, trong khi sự đồng đều là những thứ được sản xuất hàng loạt và máy móc. Một trung đội binh lính đang diễu hành là đồng đều trong những thứ họ mặc và họ làm, nhưng sự đồng đều này không phải là bằng chứng chứng tỏ rằng họ từng trải qua sự hiệp một. Họ có thể tức giận với chỉ huy của mình và có thể tức giận lẫn nhau. Bạn có thể tạo ra sự đồng đều dễ dàng không áp lực, nhưng sự hiệp một chỉ có thể đến từ sức mạnh thuộc linh. Các Hội Thánh kinh nghiệm sự hiệp một vì họ cùng chia sẻ sự sống của Đấng Christos, trong khi các tà phái coi trọng sự đồng đều vì họ yêu cầu sự thuận phục.
Hội Thánh không chỉ là một tổ chức của con người. Hội Thánh là một bộ phận, một thân thể sống, được Thánh Linh của Đức Chúa Trời vận hành. Nói như thế không có nghĩa nói rằng tổ chức Hội Thánh là sai vì nếu một bộ phận không được tổ chức, thì nó sẽ chết. Nhưng khi tổ chức trở nên quan trọng hơn mối tương giao thuộc linh với Đấng Christos thì “sự tôn trọng tổ chức” nảy sinh trong Hội Thánh và Hội Thánh bắt đầu tồn tại chỉ vì chính nó. Thật là bi thảm!
Các Hội Thánh địa phương có thể có những điểm khác biệt nhỏ bởi sự giải kinh và tổ chức, nhưng điều quan trọng là họ tỏ với thế gian một nhân chứng hiệp một trong sự yêu thương (Giăng 13:34-35; 17:20-23). Tại sao lại như vậy? Bởi vì Đức Chúa Trời đặt để Hội Thánh trong thế gian để giúp Ngài “hội hiệp muôn vật lại”. Mục đích cuối cùng của Đức Chúa Cha là “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christos ” (Ê-phê-sô 1:10). Nếu Hội Thánh địa phương bị chia rẽ, và những sự chia rẽ đó đến từ sự tranh cạnh lẫn nhau, thì Hội Thánh đó đang chống lại kế hoạch từ ban đầu của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta đọc thư tín của Phao-lô gửi cho người Ê-phê-sô, chúng ta thấy sự nhấn mạnh vào câu “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christos.” Trong Ê-phê-sô 2:11-22, những tín hữu Giu Đa và tín hữu dân ngoại hiệp một trong Đấng Christos. Sự hiệp một của toàn thể Hội Thánh được nhấn mạnh trong giáo quy ở đoạn 4:1-16 và trên thực tế ở đoạn 4:17- 5:17. Thư tín kết thúc với sự nhấn mạnh hiệp một giữa những người chồng và những người vợ (5:18-33), cha mẹ và con cái (6:1-4), chủ và tớ (6:5-9). Sự hiệp một trên đất được làm trọn thông qua Hội Thánh mà Đầu của Hội Thánh ở trên thiên đàng. Chúng ta ở trong thế gian này và làm việc theo ý muốn của Đức Chúa Trời để giúp “hội hiệp muôn vật lại trong Đấng Christos.” Chức vụ của chúng ta là “chức vụ giảng hòa” (II Cô-rinh-tô 5:18-21).
Sự hiệp một thuộc linh của con dân Chúa không phải là điều tự chúng ta có thể làm được. Điều này là một thực tế đã hoàn thành. “Chỉ có một thân thể” (Ê-phê-sô 4:4), chẳng phải là “Chỉ nên có một thân thể.” Phao-lô không chỉ nói đến một vài tổ chức, một “Hội Thánh ở thế gian” mà ông nói đến một thân thể thuộc linh được tạo nên bởi những chi thể sống, là những người đã tin Đấng Christos và nhận sự sống mới nhờ có Đức Thánh Linh.
Sau đó là trách nhiệm thứ hai của chúng ta, hãy hăng say gìn giữ và tăng trưởng trong sự hiệp một thuộc linh với con dân của Chúa. Hãy là một sứ giả hòa giải; chứ không phải là một kẻ gây sự; và giúp mọi người hiệp nhất trong thế giới của bạn.
3. Sự đa dạng (khác biệt)
Bạn sẽ chú ý đến cả ba phần quan trọng trong “phần thân thể” ở trong Tân Ước giải quyết với sự hiệp một và sự đa dạng:
Sự Hiệp Một                                                               Sự Đa Dạng
Rô-ma 12:1-5                                                              Rô-ma 12:5-8
I Cô-rinh-tô 12:1-13                                                    I Cô-rinh-tô 12:14-31
Ê-phê-sô 4:1-6                                                             Ê-phê-sô 4:7-13
Sự hiệp một và sự đa dạng phải cùng nhau hợp tác nếu không chúng sẽ phá hủy lẫn nhau. Hiệp một mà không đa dạng chính là đồng đều, đa dạng mà không hiệp một chính là hỗn loạn. Hội Thánh cần cả sự hiệp một và đa dạng để hoạt động đúng phận sự trong thế gian này. Đức Chúa Trời đã ban những sự đa dạng này cho con dân Ngài và sự đa dạng này phải được sử dụng để xây dựng nên thân thể Đấng Christos. Chúng ta khám phá ra sớm khi chúng ta tiếp tục những nghiên cứu của mình về điều duy nhất có thể cân bằng sự hiệp nhất và sự đa dạng chính là trưởng thành. “Trưởng thành (lớn lên)” để trở nên giống với Đức Chúa Giê-su Christos hơn.
Những hình ảnh khác nhau về Hội Thánh được mô tả trong Ê-phê-sô minh họa sự cân bằng tuyệt vời này giữa sự hiệp một và sự đa dạng. Ở trong Ê-phê-sô 1:22-23 và Ê-phê-sô 2:16, Phao-lô sử dụng thân thể con người như là một ví dụ. Tôi có một thân thể nhưng thân thể đó được tạo nên bởi nhiều bộ phận khác nhau, mỗi bộ phận trong đó làm những phận sự quan trọng. Trong I Cô-rinh-tô 12:14-31 Phao-lô nhấn mạnh lẽ thật này và chỉ ra rằng trong thân của Đấng Christos, các Cơ Đốc Nhân phụ thuộc lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và cần nhau.
Trong Ê-phê-sô 2:19, Phao-lô sử dụng chữ quốc gia và gia đình để minh họa cho sự hiệp một và sự đa dạng. Trong một quốc gia có nhiều loại người nhưng tất cả bọn họ đều là công dân của một “thân thể chính trị” và tất cả đều có phần việc phải làm. Trẻ con trong một gia đình đều khác biệt nhưng chúng vẫn có chung ba mẹ và những nét tự nhiên giống nhau. Bạn sẽ thấy trong một quốc gia và trong gia đình có cả sự hiệp một và sự đa dạng.
Hình ảnh cái nhà (Ê-phê-sô 2:20-22) là một minh họa khác của sự hiệp một (một sơ đồ) trong sự đa dạng (gồm nhiều phần). Hôn nhân (Ê-phê-sô 5:22) cũng minh họa cho sự cân bằng này, vì người chồng và người vợ khác nhau nhưng vẫn liền “một thịt.” Cuối cùng, trong Ê-phê-sô 6:10, Phao-lô đã viết về đội quân và áo giáp thuộc linh. Chỉ có một đội quân nhưng được tạo thành bởi nhiều người lính, đơn vị và những trung đội. Phải có sự hiệp một (lòng trung thành, một chỉ huy, một kẻ thù) và sự đa dạng (lính bộ binh, kỵ binh, do thám…). Trong tất cả những minh họa này thì có lẽ minh họa về thân thể là rõ ràng nhất.
Khi Đức Thánh Linh làm báp-têm, người tin Chúa được biến đổi và đưa vào trong thân thể Đấng Christos, Ngài ban cho tín hữu đó một ân tứ thuộc linh hay những ân tứ thuộc linh. Chi thể trong thân thể đó sử dụng ân tứ (hay những ân tứ) để giúp thân thể trưởng thành và lớn lên. (Ê-phê-sô 4:7-16 và I Cô-rinh-tô 12:12-31). Hội Thánh không lớn mạnh là hậu quả của việc mọi người sử dụng những ta-lâng (tài năng) đặc biệt hay những khả năng bằng sức của chính họ. Hội Thánh chỉ lớn mạnh khi những người được ban ân tứ sử dụng ân tứ của mình trong quyền năng của Thánh Linh.
Sự hiệp một liên quan tới ân tứ của Thánh Linh, còn sự đa dạng liên quan tới những ân tứ của Thánh Linh. Nhưng điều này chưa đủ: chúng ta phải có ân điển của Thánh Linh nếu như chúng ta sử dụng những ân tứ này đúng cách để vinh hiển danh Đức Chúa Trời. Đây chính là điều mà Hội Thánh Cô-rinh-tô đã thất bại. Họ sử dụng những ân tứ như những vũ khí để chiến đấu chứ không phải dùng ân tứ làmkhí cụ để xây dựng bởi vì họ thiếu sự yêu thương.
Điều này dẫn đến trách nhiệm thứ tư, sự trưởng thành. Nhưng đầu tiên, chúng ta nên nói đến trách nhiệm thứ ba, đó là để khám phá và phát triển những ân tứ thuộc linh và không lo ngại sự đa dạng trong Hội Thánh. Khi Đức Thánh Linh ngự trị, sự đa dạng sẽ làm sức sống của thân thể mạnh mẽ bằng việc kiểm soát sự hiệp một của thân thể.
4. Sự trưởng thành
Mỗi phần “thân thể” đều phải trải qua sự trưởng thành, mà điều này được bày tỏ bằng tình yêu của Cơ Đốc Nhân. Còn bây giờ chúng ta đang đề cập đến ân điển của Đức Thánh Linh. Những phẩm chất tuyệt đẹp mà Đức Thánh Linh gây dựng trong đời sống của chúng ta khi chúng ta hoạt động đúng phận sự. Đây là một biểu đồ hoàn thiện của “phần thân thể”:
Sự Hiệp Một      Rô-ma 12:1-5, I Cô-rinh-tô 12:1-13, Ê-phê-sô 4:1-6
Sự Đa Dạng      Rô-ma 12:6-8, I Cô-rinh-tô 12:14-31, Ê-phê-sô 4:7-12
Sự Trưởng Thành    Rô-ma 12:19-21, I Cô-rinh-tô 13-14, Ê-phê-sô 4:13-16
I Cô-rinh-tô 13 nhấn mạnh tình yêu thương và I Cô-rinh-tô 14 giải thích làm sao tình yêu thương có thể được áp dụng trong các hoạt động thực tế của Hội Thánh. Thật là tệ nếu như chúng ta nghĩ rằng I Cô-rinh-tô 13 chỉ là một bài thơ về tình yêu thương được đọc tại các lễ tang và đám cưới, trong khi thực tế đoạn Kinh Thánh này nên được đọc tại các buổi họp bàn công việc của Hội Thánh. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là một Hội Thánh cần tình yêu thương. Hội Thánh Cô-rinh-tô bị chia rẽ (1:10-12); dâm loạn (5:1); và đáng hổ thẹn (6:1-8). Ở trong những buổi họp công khai, “một vài người có ân tứ” khoe khoang về những ân tứ của họ và gây hỗn loạn (11:17-18; 14:23-26). Những ân tứ càng lạ lùng như nói tiếng lạ thì lại càng bị lạm dụng trong hội đồng.
Bằng cách nào mà Phao-lô lại tìm ra cách sửa ngay lại tình trạng xấu xa này? Bằng việc dạy cho họ lẽ thật về những ân tứ. Mỗi tín đồ có ít nhất một ân tứ, và ân tứ đó phải được sử dụng vì sự tốt đẹp cho toàn thể Hội Thánh. Mục đích của mục vụ là xây dựng thân thể chứ không phải là tôn cao cá nhân tín hữu. Phao-lô sử dụng chữ edify (bồi linh). Trong những cuộc họp công khai, luôn phải có sự bồi linh, phải phép, và thứ tự (14:40).
Thân thể trưởng thành được là từ bên trong. Nó phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa bởi các Mục sư (Ê-phê-sô 4:11-12, 16). “Lấy lòng yêu thương mà nói ra lẽ chân thật” là bí quyết của sự trưởng thành (Ê-phê-sô 4:15). Ai đó đã nói rằng lẽ thật mà không có tình yêu thương thì là bạo lực, nhưng chỉ có tình yêu thương mà không có lẽ thật là đạo đức giả. Chúng ta cần cả tình yêu thương và lẽ thật để thân thể trưởng thành và trở nên giống Đức Chúa Giê-su Christos hơn. Mục đích của chức vụ chúng ta là trưởng thành “được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christos.” (Ê-phê-sô 4:13). Đức Chúa Trời muốn từng con dân nói riêng, và Hội Thánh nói chung trở nên càng ngày càng giống với Con của Ngài hơn (Rô-ma 8:29).
Dĩ nhiên là, Đức Chúa Giê-su Christos là Đầu vinh hiển của chúng ta, liên tục dạy dỗ thân thể (Hội Thánh) thông qua Thần Của Đức Chúa Trời. Đây là công việc mà Chúa chúng ta đang làm trên thiên đàng. Mỗi chi thể của thân thể phải đầu phục Đấng Christos và cho phép Đức Thánh Linh dạy dỗ, thân thể sẽ trưởng thành và được làm cho mạnh mẽ. Hê-bơ-rơ 13:21 thông báo cho chúng ta biết rằng mong ước của Đấng Christos là “làm anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta”.
Chữ chính yếu ở đây là “equip” (trang bị) một chữ được chuyển ngữ từ tiếng Greekkatartizo. Như chúng ta đã biết chữ này có nghĩa là “sửa lại, trang bị, chuẩn bị”. Các bác sĩ sử dụng chữ  này để mô tả sự xếp đặt lại một cái xương bị gãy. Còn đối với thủy thủ thì nó nghĩa là trang bị đồ nghề cho tàu ra khơi; và đối với những người lính nó có nghĩa là trang bị vũ khí cho một đội quân ra trận. Còn những người đánh cá sử dụng chữ này để vá lại lưới của họ (xem Ma-thi-ơ 4:21).
Còn Đức Chúa Giê-su Christos ngày nay đang làm gì cho các chi thể trong thân thể Ngài? Ngài sửa lại và xếp đặt lại “những xương bị gãy” để thân thể được khỏe mạnh và tráng kiện. Ngài “trang bị” cho chúng ta ra khơi và đánh trận các trận chiến đời sống và Ngài “sửa chữa” chúng ta để chúng ta có thể trở thành những khí cụ hiệu quả trong tay Ngài.
Nhưng làm sao Ngài làm được điều này? Nếu bạn tra theo chữ katartizo và những chữ  khác có cùng nguồn gốc qua Tân Ước, bạn sẽ thấy rằng Chúa chúng ta sử dụng 4  khí cụ đặc biệt trang bị cho chúng ta làm việc với Hội Thánh. 
Đầu tiên, Ngài sử dụng Lời Chúa. “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn [exartizo] (hoàn thành một nhiệm vụ đặc biệt) và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17). Tín hữu nào đọc, nghiên cứu Kinh Thánh, suy ngẫm và tuân theo lẽ thật trong đó sẽ thấy chính mình lớn lên và trở nên hữu ích cho Đấng Christos và Hội Thánh của Ngài.
Tôi đã xem lại quá trình này trong những năm tôi hầu việc Chúa và chưa bao giờ sự trưởng thành đó làm tôi chán nản. Bạn dẫn dắt mọi người đặt niềm tin vào Đấng Christos và sau đó hướng dẫn họ nghiên cứu Kinh Thánh thận trọng. Đầu tiên, những tân tín hữu hơi nhầm lẫn một chút (“ Họ nói Sáng Thế Ký là ở đâu?”), nhưng khi mọi thứ bắt đầu đặt vào đúng chỗ. “những em bé” này bắt đầu lớn và đi cùng với sự trưởng thành là ao ước được hầu việc Chúa. Sau đó bạn tìm ra làm thế nào mà Lời Chúa lại giúp họ khám phá và phát triển những ân tứ thuộc linh để sử dụng những ân tứ này xây dựng Hội Thánh. Điều đó thật phấn khích!
Khí cụ thứ hai mà Chúa chúng ta sử dụng là sự thông công của Hội Thánh địa phương. “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn (katartizo) về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christos.” (Ê-phê-sô 4:11-12).
Ở đây rất rõ ràng. Đức Chúa Trời cung cấp những lãnh đạo được ơn cho Hội Thánh, và những lãnh đạo này giúp tín hữu khám phá và phát triển những ân tứ thuộc linh của chính họ. Khi mỗi tín hữu dạy dỗ cho Hội Thánh (thân thể), Hội Thánh phát triển và thêm nhiều những lãnh đạo được trưởng thành trong Hội Thánh để giúp thế hệ kế tiếp. Những Cơ Đốc Nhân bỏ qua sự thông công của Hội Thánh địa phương sẽ bị lỡ mất những cơ hội để trưởng thành. Đài phát thanh, truyền hình, những cuốn sách, những cuốn film và những hội thảo chuyên đề, tất cả đều có vị trí của nó và có thể được Đức Chúa Trời sử dụng. Nhưng chẳng có gì thay thế được cho Hội Thánh địa phương khi dùng những thứ này để so sánh với Hội Thánh địa phương về sự phát triển thuộc linh. 
Vậy thì tại sao ngày nay lại có vẻ thiếu những lãnh đạo thuộc linh, giáo sư, Mục sư và những người làm công cho Chúa? Đó là bởi có quá nhiều Hội Thánh “thuê” những người được ơn làm những công việc mà những cá nhân cần phải làm thay vì khuyến khích những lãnh đạo này trang bị cho Hội Thánh qua Lời Chúa. Vance Havner đã nói: “Tôi đã thấy những người tốt lành trở thành những đầy tớ và người sai vặt cho Hội Thánh của họ.” Đây chẳng phải là cách mà Đức Chúa Trời mong muốn.
Cuộc khủng hoảng nội bộ đầu tiên trong Hội Thánh lúc ban đầu đã xảy ra là phải có những đặc quyền cho những lãnh đạo thuộc linh (Công Vụ 6:1-7). Nan đề đã được giải quyết khi Hội Thánh đồng ý thay đổi cơ cấu tổ chức và chia xẻ một vài trách nhiệm và thẩm quyền để các sứ đồ có thể chuyên lo “về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo” (Công Vụ 6:4). Vậy kết quả ra sao? “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa.” (Công Vụ 6:7).
Và tôi lại trích lời của Vance Havner: “Có nhiều người được gọi là một người giảng Tin Lành kiệt sức vì những nhiệm vụ tầm thường tuy không đến mức xấu xa nhưng không đáng để ông bỏ thời gian và công sức. Quan trọng là phải biết điều nào cần ưu tiên nhất.”
Một phần của Hội Thánh địa phương được “trang bị” chức vụ kỷ luật và sửa lại những tín hữu phạm tội. “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng.” (Ga-la-ti 6:1). Một tín hữu ra khỏi mối thông công với Đức Chúa Trời và Hội Thánh thì giống như một cái xương bị trật khớp hoặc bị gãy. Cái xương đó phải được sửa lại nhẹ nhàng và kiên nhẫn nếu không thì toàn bộ thân thể sẽ bị nhiễm bệnh và yếu mỏn.
“Khí cụ” thuộc linh thứ 3 mà Đấng Cứu Thế đã sống lại sử dụng để trang bị cho con dân Ngài là lời cầu nguyện. Phao-lô đã viết rằng: “Điều chúng tôi cầu xin, ấy là cho anh em được nên trọn vẹn.” [katartizo] (II Cô-rinh-tô 13:9). Lời cầu nguyện phát ra( tuôn đổ ) quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta và trong đời sống của người khác và sự phát ra( tuôn đổ ) này làm tăng trưởng thuộc linh và tinh thần hầu việc mạnh mẽ. 
Đó là một ơn phước, và cũng là một trận chiến, đó là phải cầu nguyện cho con dân Chúa và canh phòng cho họ phát triển và hầu việc Đức Chúa Giê-su Christos! Không nghi ngờ gì nữa Phao-lô rùng mình run sợ khi thấy Chúa trang bị cho Ti-mô-thê và Tít vào chức vụ. Thông thường trong công tác của mình Phao-lô phải để lại những Hội Thánh non trẻ đằng sau, và tất cả những gì ông có thể làm là cầu nguyện cho những lãnh đạo và viết những lá thư khích lệ họ. Khi ông đến thăm những Hội Thánh nhiều tháng sau đó, ông vui mừng khi thấy Đức Chúa Trời đã làm họ trưởng thành và trang bị cho con dân Ngài.
Khí cụ thứ tư mà Đức Chúa Trời đã dùng để trang bị cho con dân Ngài đó là chịu khổ vì danh Đức Chúa Giê-su Christos. “Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christos, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho.” (I Phi-e-rơ 5:10).
Trong bức thư đầu tiên, Phi-e-rơ đã rất can đảm khi nói về việc chịu khổ của con dân Chúa. Một vài độc giả của ông bị đè nặng bởi sự thử thách của đời sống (I Phi-e-rơ 1:6-7). Những người khác thì bị tấn công từ nhiều phía, và một vài người khác phải chịu khổ bởi vì họ làm điều tốt, chứ chẳng phải vì làm điều xấu (I Phi-e-rơ 2:18-20; I Phi-e-rơ 3:13-14, 17). Phi-e-rơ đã nói với họ rằng đó là một “lò lửa thử thách” và họ sẽ sớm phải chịu khổ bởi vì danh của Chúa Giê-su Christos (I Phi-e-rơ 4:12-19).
Sa-tan muốn dùng việc chịu khổ là để phá hủy, nhưng Đức Chúa Trời có thể sử dụng việc chịu khổ của chúng ta để phát triển và trang bị cho chúng ta phục vụ hầu việc Ngài tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng ta hãy giữ vững trong trí mình rằng các thánh đồ không tự trang bị sự chịu khổ. Thật buồn khi phải nói rằng, có những Cơ Đốc Nhân đã trải qua thử luyện và bước ra khỏi lò lửa thử thách mà bị phỏng và đầy cay đắng thay vì được tinh sạch và trọn vẹn. Chỉ khi nào chúng ta dựa vào ân điển của “Đức Chúa Trời ban mọi ơn” thì lò lửa thử thách đó mới làm công việc của nó. 
Đây là trách nhiệm thứ tư của chúng ta: Chúng ta phải để Đức Chúa Trời sử dụng những “khí cụ” của Ngài để trang bị cho chúng ta và làm chúng ta trưởng thành khi chúng ta tham gia vào các công tác của Hội Thánh địa phương. Chúng ta phải dành thời gian biệt riêng cho việc học Lời Chúa, cầu nguyện, sự thông công của Cơ Đốc Nhân, và thờ phượng, và chúng ta không được e sợ các thử thách. Đấng Christos là Đầu Hội Thánh ở trên thiên đàng biết chính xác điều cần làm để giúp chúng ta trưởng thành thuộc linh.
5. Chức vụ
Chúng ta đã xem xét 4 chữ giúp chúng ta hiểu rõ làm thế nào một Cơ Đốc Nhân trở thành chi thể của Đấng Christos : sức lực, sự hiệp một, sự đa dạng, và sự trưởng thành. Một chữ  còn lại đó là: chức vụ.
Khi Con của Đức Chúa Trời đến thế gian để thi hành chức vụ, Ngài cần có một thân thể vật lý (Hê-bơ-rơ 10:5-7). Khi Ngài trở lại thiên đàng sau khi hoàn thành xong công tác ở thế gian, Ngài để lại thân thể thuộc linh, là Hội Thánh. Sự sinh ra thân thể vật lý của Ngài được ghi lại trong Lu-ca 2 còn sự khai sinh của thân thể thuộc linh được ghi lại ở Công Vụ 2, cả hai điều này được viết bởi bác sĩ Lu-ca.
Tại sao thân thể thuộc linh của Ngài lại ở thế gian? Để tiếp tục công tác của Ngài và chia xẻ sứ điệp của Ngài đến với toàn thế giới. Một thân thể được giao nhiệm vụ rao giảng Tin Lành.
Trong những năm gần đây “sự sống thân thể” đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều Hội Thánh. Ở một vài nơi sự sống thân thể đã trở thành “mốt” ( mode ) thịnh hành. Trong thập niên 60 tôi đã nghe người ta hỏi rằng, “Người anh em, ân tứ của anh là gì?”, họ hỏi nhiều đến mức tôi cảm thấy như có một bảng hiệu đeo ở cổ mình viết rằng: “Có lẽ bạn thấy không đúng nhưng tôi nghĩ tôi có ân tứ giảng dạy Lời Chúa và chăn bầy chiên của Ngài”. Tuy nhiên, tôi không thể tìm thấy một thánh đồ có ân tứ vẽ biển quảng cáo!
Khi “sự sống thân thể” thực sự trở thành mode, Hội Thánh địa phương bắt đầu giảng dạy theo nhiều cái mới lạ và thú vị đôi khi khó lòng theo kịp. Mọi người khám phá ra rằng có nhiều cách để các Cơ Đốc Nhân hầu việc Chúa ngoài việc rao giảng Lời Chúa, giảng dạy, ca hát, quyên góp tiền bạc, thăm viếng những Hội Thánh có triển vọng phát triển, và ngồi họp hội đồng. Những nhiệm vụ trên không phải là không quan trọng; nhưng đây là những nhiệm vụ mà Hội Thánh nào cũng có, vậy nên nhiều người chỉ là những khán giả chứ không phải là những người tham gia.
D. L. Moody từng nói rằng, “Tôi thích để cho mười người làm việc hơn là làm công việc của mười người.” “Sự sống thân thể” chính là như vậy. Nó có nghĩa là trang bị cho con dân Chúa, tuyển chọn họ để hầu việc Chúa, và sau đó khuyến khích họ hoàn thành công việc. Booker T. Washington đã nói rằng, “Không có điều nào giúp ích cho một cá nhân hơn là đặt trách nhiệm lên trên họ để họ biết rằng bạn tin tưởng họ.” 
Chúng ta nói về “tư cách thành viên Hội Thánh” mặc dù nó chỉ là vấn đề của việc “tham gia Hội Thánh” và “giúp đỡ” Hội Thánh với tiền bạc, sự tham dự, và phụ việc Hội Thánh. Nhưng “tư cách thành viên” có nghĩa chúng ta là một phần của thân thể sống và có trách nhiệm. Đây là đặc quyền góp phần sức mạnh vào sự phát triển của thân thể đó. Nếu thân thể trưởng thành và phục vụ Chúa, đó phải là “thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm  cho thân thể lớn lên...” (Ê-phê-sô 4:16,).
Bây giờ chúng ta đã sẵn sàng cho trách nhiệm thứ năm: chúng ta phải sử dụng những ân tứ của mình trong chức vụ yêu thương đối với Hội Thánh và qua Hội Thánh đến với một thế gian cần tình yêu thương. Chúng ta phải làm những điều mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta, và làm điều đó trong quyền năng của Ngài và vì danh của Ngài.
Khi chúng ta dành thời gian xem lại năm chữ chính yếu này và năm trách nhiệm mà chúng ta phải làm vì chúng ta là Cơ Đốc Nhân, chúng ta sẽ vui mừng vì một điều tuyệt vời đó là chúng ta trở thành một chi thể trong thân thể của Đấng Christos!
 
(CÒN TIẾP) 
Các bài viết khác
Mới đăng
Xem nhiều nhất
GIÁO HỘI BÁP-TÍT VIỆT NAM

Mạng Lưới Giáo Hội Báp-tít Việt Nam là một kênh truyền thông của Giáo Hội nhằm kết nối các Hội Thánh Báp-tít địa phương khắp nơi để kết hợp rao truyền tin lành và mong đợi kết quả cho Cứu Chúa Giê-Su.

Thông tin liên hệ

Địa chỉ: A11 KDC Bách Khoa, Nguyễn Duy Trinh

P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 08-6678-2754

Email: vanphongghbtvn@gmail.com

Hotline: 098.935.2340 - 0994620831

Website: www.giaohoibaptitvietnam.org

Facebook: Giáo Hội Báp-tít Việt Nam

Theo dõi