Bài giảng: Chết hơn Sanh

Thứ Năm, 17-11-2016 | 4:08PM GMT+7
2

 Chết Hơn Sanh

Ngày 18/09/11

Mục sư Rmah Y Hanh

Hội Thánh Báp-tít Đời Sống Mới

 

Danh tiếng hơn dầu quí giá; ngày chết hơn ngày sanh.2 Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng. 3 Buồn rầu hơn vui vẻ; vì nhờ mặt buồn, lòng được vui. 4 Lòng người khôn ngoan ở trong nhà tang chế, còn lòng kẻ ngu muội ở tại nhà vui sướng. 5 Thà nghe lời quở trách của người khôn ngoan, còn hơn là câu hát của kẻ ngu muội. 6 Vì tiếng cười của kẻ ngu muội giống như tiếng gai nhọn nổ dưới nồi. Điều đó cũng là sự hư không.

 (Truyền đạo 7:1-5)

Người đời có câu “gần đất xa trời”, muốn nói lên một con người sẽ không còn hiện hữu dưới mặt trời này nữa nhưng sẽ mãi mãi chôn sâu dưới lòng đất. Cái chết là tai vạ lớn nhất của nhân loại, người ta đấu tranh bằng mọi cách để tồn tại và sống còn. Ngày chết chính là ngày khóc lóc tang chế của những người thân.

Là con người thì không ai tránh ai “sanh-lão-bệnh-tử”

Mọi người đều chuẩn bị cách tốt nhất cho ngày ra đời của đứa con mình, mua đồ đạc trẻ em sơ sinh, chuẩn bị tiền bạc. Khi trở về già ai cũng chuẩn bị cho công việc nghĩ dưỡng, làm sao ở những ngày cuối đời mình được thư thái, tiền hưu, tiền trợ cấp…. Ai cũng có ít nhất một bảo hiểm xã hội để đề phòng khi bệnh tật thì để được chữa trị cách tốt và không tốn kém.

Đa số chúng ta đều là những người có khả năng lập kế hoạch rất tốt cho cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên hầu như không ai trong chúng ta lập kế hoạch cho ngày mình qua đời.

Người ta sợ nói đến từ “chết” đến mức người ta có hàng loạt các từ đồng nghĩa khác để thay cho nó, để làm giảm nhẹ đi sự sợ hãi của loài người ví dụ: qua đời, quy tiên, ngủ, yên nghĩ,…. Sự chết là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của chúng ta. Nó đánh dấu việc chúng ta lìa khỏi đời này mà bước vào cõi đời đời. Sự chết là cánh cửa để đi vào cõi vĩnh hằng. Hạt giống cần phải chết đi mọc lên thành cây lớn. Thân thể này cần phải chết đi để được sống lại và biến hóa thành thần thể mới.

Sự chết khẳng định cho chúng ta 3 sự thật rằng:

1)    Loài người chúng ta không có quyền trên sự sống và sự chết. Loài người không thể tạo ra sự sống, sự sống của chúng ta có thể mất đi bất kỳ lúc nào.

2)    Có một ai đó nắm giữ sự sống và sự chết của loài người. Đấng đó chính là Đức Chúa Trời.

3)    Sự chết là khởi đầu của sự sống mới. Hạt giống gieo vào thì nó phải chết đi thì mới có thể mọc thành cây.

Kinh thánh không sợ hãi khi nhắc đến từ chết. Ít nhất có 1231 lần trong Kinh thánh nhắc đến từ chết. Trong khi đó chữ “sống” chỉ nhắc đến 1194 lần mà thôi (theo bản dịch tiếng Việt- truyền thống). Điều này cho thấy kinh thánh xem cái chết vô cùng quan trọng đối với loài người chúng ta.

 

Trở lại với Kinh thánh chúng ta vừa đọc. Cụm từ quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với gia quyến và Hội thánh hôm nay chính là “Ngày chết hơn ngày sanh”.

Phân đoạn này so sánh ngày chết là tốt hơn ngày sanh. Đó là sự chết của một người tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình.

Ngày mà chúng ta sanh ra là ngày có những con người chào đón bạn. Nhưng ngày bạn qua đời là ngày thiên sứ tiếp rước bạn.

Ngày bạn sanh ra là lúc bạn cất tiếng khóc chào đời, nhưng ngày bạn qua đời là ngày bạn mĩm cười với sự sống vĩnh hằng với Chúa.

Ngày bạn sanh ra là ngày đầu tiên bạn cần tắm rửa để được sạch thân thể. Nhưng ngày bạn qua đời bạn cần từ bỏ thân thể hư nát này để được nhận lấy thân thể biến hoá vĩnh hằng nơi thiên đàng.

Ngày bạn sanh ra là lúc cần được mặc tả và quần áo để che thân, nhưng ngày bạn qua đời là ngày bạn mặc lấy sự vinh hiển từ nơi Cha.

Ngày bạn sanh ra là lúc từ từ tiến đến sự chết, nhưng ngày bạn qua đời là lúc bạn bước vào cõi đời đời vinh hiển không hề chết mất.

Ngày bạn sanh ra là ngày bạn chưa biết nói, nhưng ngày bạn qua đời bạn sẽ được tương giao với Cha Thiên Thượng bằng ngôn ngữ thiêng liêng.

Ngày bạn sanh ra bạn cần được người ta chăm sóc, nhưng ngày bạn qua đời bạn được chính Chúa chăm sóc.

Ngày bạn sanh ra bạn chưa có tóc, chưa mọc răng, chưa ăn được.. nhưng ngày bạn qua đời bạn sẽ được sống lại một thân thể thiêng liêng đầy trọn nhất, mạnh mẽ nhất và siêu nhiên và sẽ được ăn uống trong tiệc của thiên đàng.

Thế giới mới (sự đời sau) mà Đức Chúa Trời đang sắm sẵn cho chúng ta là kỳ diệu. Nơi đó là ngôi nhà thật của chúng ta. Thế nhưng sự chết không có Chúa Giê-su chính là sự chết, nói nôm na, vĩnh viễn dưới lòng đất và mãi mãi xa trời.

Sự chết của người trong Chúa không phải là sự chết mà là chia tay tạm thời. Sự chết của người trong Chúa là một thủ tục trả lại thân thể về bụi đất để được biến hóa một thân thể mới của Thiên đàng.

Hôm nay gia quyến và hội thánh của Chúa tạm chia tay cụ Huỳnh Lai, người cha, người chú, người anh em trong hội thánh, nhưng rồi chúng ta sẽ gặp lại ông trong ngày không lâu nữa.

Nguyền xin Đức Chúa Trời ban phước cho tất cả gia quyến cùng hết thảy các các cô chú anh chị em thân bằng quyến thuộc.

Các bài viết khác
Mới đăng
Xem nhiều nhất
GIÁO HỘI BÁP-TÍT VIỆT NAM

Mạng Lưới Giáo Hội Báp-tít Việt Nam là một kênh truyền thông của Giáo Hội nhằm kết nối các Hội Thánh Báp-tít địa phương khắp nơi để kết hợp rao truyền tin lành và mong đợi kết quả cho Cứu Chúa Giê-Su.

Thông tin liên hệ

Địa chỉ: A11 KDC Bách Khoa, Nguyễn Duy Trinh

P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 08-6678-2754

Email: vanphongghbtvn@gmail.com

Hotline: 098.935.2340 - 0994620831

Website: www.giaohoibaptitvietnam.org

Facebook: Giáo Hội Báp-tít Việt Nam

Theo dõi