HÃY LÀ CHÍNH BẠN (Ch.3) MỘT KHÁCH HÀNH HƯƠNG

Thứ Hai, 02-07-2018 | 10:20AM GMT+7
0

 Chương 3

Một Khách Hành Hương
Hai trong số những hình ảnh thú vị về Cơ Đốc Nhân là “Khách hành hương và khách lạ” và “cư dân thiên quốc.” Khái niệm này gắn chặt hai hình ảnh này lại cùng nhau khiến chúng trở nên thú vị, đó là những tín hữu được kêu gọi trong danh Đức Chúa Giê-su Christos. Họ là những người đã tin Đấng Christos là Đấng Cứu Thế của họ và họ “được gọi bởi Đức Chúa Giê-su Christos” (Rô-ma 1:6). Họ chẳng khi nào thuộc về thế gian này nữa mà thay vào đó họ là những cư dân thiên quốc và những khách hành hương, những khách lạ trên thế gian.
Sự kêu gọi này có 4 khía cạnh.
1.  Các Cơ Đốc Nhân được gọi
Chữ tiếng Anh “ecclesiastical” (thuộc giáo hội) bắt nguồn từ một chữ Hy Lạp ekklesia, điều này có nghĩa là “một hội được gọi”. Ekklesia là một chữ quen thuộc trong Tân Ước, được sử dụng 114 lần và thường được dịch là “Hội Thánh” (church). Hội Thánh là “Hội được Chúa gọi”. Người Hy Lạp sử dụng chữekklesia cho những hội nhóm ở địa phương sống kinh doanh buôn bán ở những thành phố tự do. Chữekklesia được tạo ra bởi những công dân đủ khả năng, đủ năng lực, những người này được gọi ra để dùng cho mục đích quản lý công việc của chính quyền. 
Đến gần Đức Chúa Trời. Kể từ khi người đầu tiên phạm tội, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những tội nhân bị hư mất, và gọi họ đến nhận sự tha thứ của Ngài (Sáng Thế Ký 3:1-10; Lu-ca 19:10). Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta vì chúng ta đáng được gọi. Ngài gọi chúng ta trong ân điển là bởi Ngài yêu thương chúng ta và nóng lòng muốn cứu chúng ta.Đức Chúa Giê-su nói, “ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.” (Mác 2:17). Đức Chúa Trời đang tìm kiếm tội nhân là bởi vì tội nhân chắc chắn chẳng tìm Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:10-11). Quyền chủ động đó đến từ tấm lòng yêu thương của Đức Chúa Trời chẳng bởi trái tim phản nghịch của loài người.
Làm thế nào mà Đức Chúa Trời lại đi kêu gọi những tội nhân đáng bị hư mất? Phao-lô đã mô tả sự đến với Chúa diễn ra như sau: 
“Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em. Ấy cũng là vì đó mà Ngài đã dùng Tin lành chúng tôi gọi anh em, đặng anh em hưởng được sự vinh hiển của Đức Chúa Giê-su Christos chúng ta.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-14).
Sự kêu gọi chúng ta bắt đầu trong cõi đời đời khi Đức Chúa Cha chọn chúng ta trong Đấng Christos “từ trước khi sáng thế” (Ê-phê-sô 1:4). Chúng ta chẳng có liên quan gì tới quyết định này. Hành động đó chỉ đơn giản là một hành động đến bởi ân điển của Chúa. Những Cơ Đốc Nhân là “những người được chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (I Phi-e-rơ 1:2). ĐứcChúa Giê-su phán, “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta bèn là ta đã chọn các ngươi.” (Giăng 15:16). Những tội nhân bị hư mất chẳng biết về sự định trước này, và họ cũng không cần phải biết. Được chọn để cứu là một điều mầu nhiệm thuộc về con dân Đức Chúa Trời, và điều này không nên được tranh luận giữa những người chưa được cứu. Điều mà người chưa được cứu cần nghe là những tin lành của Phúc Âm.
Điều này dẫn chúng ta đến bước thứ hai trong ân điển của Chúa để tiếp cận và cứu tội nhân: Ngài đưa đến những nhân chứng để chia xẻ tin lành về sự cứu rỗi. Chính Đức Chúa Trời đã quyết định mục đích cuối cùng (sự cứu vớt những tội nhân hư mất) thì Ngài cũng ra quyết định về phương tiện để nhận được mục đích cuối cùng (chia sẻ phúc âm). Phao-lô đã viết rằng, “Ngài đã kêu gọi anh em bởi Phúc Âm.” Bất kỳ ai nói rằng “Đức Chúa Trời sẽ cứu anh ấy mà không cần sự giúp đỡ của tôi!” là không hiểu gì cả về Phúc Âm hoặc kế hoạch của Đức Chúa Trời về Tin Lành. “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?” (Rô-ma 10:14).
Bước thứ ba liên quan đến chức vụ của Đức Thánh Linh, Đấng cáo trách tội nhân và bày tỏ Đấng Cứu Thế. Tội nhân tin vào lẽ thật của Phúc Âm và được cứu. Quyết định của tội nhân quan trọng hơn sự đồng ý của họ về lý trí đối với những vấn đề tín ngưỡng. Đó là một sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giê-su Christos, qua Lời Chúa và thông qua Đức Thánh Linh, một sự gặp như thế sẽ đem lại kết quả trong việc truyền lại sự sống mới với tội nhân. Nhờ có đức tin trong Đấng Christos mà người ấy mới trở thành con cái của Đức Chúa Trời.
Điểm lại II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-14 chúng ta thấy rằng cả Ba Ngôi trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều liên quan đến việc gọi chúng ta. Đức Chúa Cha đã chọn chúng ta, Đức Chúa Con chết vì chúng ta, còn Đức Thánh Linh cáo trách và ấn chứng cho chúng ta về một đời sống mới khi tin Chúa Giê-su. Trước khi tôi được cứu, tôi chẳng biết gì về sự lựa chọn theo thánh ý Chúa. Nhưng sau khi tôi trở thành một Cơ Đốc Nhân và bắt đầu đọc Kinh Thánh, tôi thấy thú vị khi khám phá ra rằng Đức Chúa Trời đã chọn tôi trong ân điển rất lâu trước khi tôi biết về Ngài!
Nguyên Mục sư của Hội Thánh Moody Church ở Chicago, Tiến sĩ Harry Ironside là người được mọi người yêu quý, đã từng minh họa lẽ thật này bằng cách mô tả một cánh cửa. Tội nhân đang đứng ngoài cửa và đọc dòng chữ trên cánh cửa, “Ai muốn tin, hãy để người đó vào!” Người đó tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, bước qua cánh cửa và được cứu. Anh ấy sau đó quay lưng lại và đọc phía sau cánh cửa dòng chữ, “Được Đấng Christos lựa chọn, từ trước khi sáng thế.”
Đây là một điều quan trọng để thấy rằng Đức Chúa Trời Ba Ngôi cùng nhau làm việc trong sự cứu chuộc những tội nhân bị hư mất. Đối với Đức Chúa Cha, tôi được cứu khi Ngài chọn tôi trong Đấng Christos kể từ trước khi sáng thế. Nhưng tôi chẳng biết gì về lựa chọn của Ngài. Đối với Đức Chúa Con, tôi được cứu khi Ngài chết vì tôi trên cây thập tự. Nhưng điều mà Ngài làm trên thập tự sẽ chẳng có ảnh hưởng gì tới đời sống của tôi nếu như tôi không đầu phục trước chức vụ của Đức Thánh Linh, và tất cả những điều đó xảy ra cùng một lúc và tôi được sinh lại trong gia đình của Đức Chúa Trời. 
Địa vị mới. Những tín hữu được gọi ra khỏi chỗ nào? Chúng ta đã được gọi ra khỏi nơi mà Kinh Thánh gọi là “thế gian”. “Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian.” (Giăng 17:16). Nhưng ý của Ngài là gì khi nói đến “thế gian”? Chắc chắn rằng Chúa không phải nói về thế giới vật lý hay thế giới của con người (Xem I Cô-rinh-tô 5:9-10). Chúng ta có một công việc quan trọng để làm, và chúng ta không thể hoàn thành bằng cách tách biệt chính mình với những người khác. Bằng chữ “thế gian,” ĐứcChúa Giê-su muốn nói đến hệ thống ma quỷ hiện tại đang đứng sau những tội lỗi của thế giới này. “Một xã hội không có Chúa và chống lại ĐứcChúa Giê-su Christos” là một cách nói để diễn đạt. “Thế gian” là một trật tự mọi vật hiện tại, được Sa-tan xếp đặt để chống lại công việc của Chúa (I Giăng 2:15-17).
Trong cuộc nói chuyện thường ngày, chúng ta vẫn thường sử dụng chữ thế giới để nói đến một hệ thống vô hình gây ra các tác động. Ví dụ, khi chúng ta nói về “giới thể thao,” hay “giới tài chính,” hay là “giới chính trị” thì không ai mơ hồ về những gì chúng ta đang nói tới. Mọi người biết chúng ta đang nói tới một “hệ thống” liên quan đến thể thao, tài chính, chính trị một cách ẩn dụ.
Khi Kinh Thánh cảnh báo các Cơ Đốc Nhân về “thế gian”, thì nhóm chữ được sử dụng ở đây cũng mang nghĩa tương tự, là để mô tả một hệ thống vô hình nhưng ảnh hưởng đến những thứ chống lại Đức Chúa Trời.
Quyền công dân cũ của chúng ta là ở trong “thế gian” (Ê-phê-sô 2:1-3) nhưng quyền công dân mới của chúng ta là ở trên “thiên đàng” (Phi-líp 3:20). Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta ra khỏi sự chết và đến với sự sống (Giăng 5:24-25), ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng (I Phi-e-rơ 2:9), ra khỏi nước của Sa-tan và bước vào nước của Con Trời (Cô-lô-se 1:13), thoát khỏi sự xấu hổ và bước vào trong sự vinh hiển tuyệt vời của Ngài (I Phi-e-rơ 5:10). Chúng ta có một vị trí mới trong ĐứcChúa Giê-su Christos, và vị trí mới này quyết định tư cách của chúng ta (Cô-lô-se 3:1; Ê-phê-sô 4:1).
Khi điều này xảy ra với thế gian, con cái của Chúa sẽ trở thành “những khách hành hương và khách lạ” (I Phi-e-rơ 1:1; 2:11). Một người khách lạ thì đi xa nhà mình nhưng một người hành hương thì đang trên đường về nhà. Trong thời của Thánh Kinh, một “khách lạ” là một người khách “ở nơi xa lạ” người đó sống với mọi người ở một vùng đất nhưng vẫn không phải là một trong số họ. Là những người hành hương chúng ta giống như Áp-ra-ham và những tổ phụ là những người đã bước đi bởi đức tin và tuân theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:8-16). Cho dù Áp-ra-ham đi đến nơi nào, ông cũng cắm trại và dựng đền thờ ở đó (Sáng Thế Ký 12:7-8; 13:1-4, 18). Áp-ra-ham là một người đàn ông giàu có và có thể sống trong một ngôi nhà sang trọng, nhưng điều này chẳng thể cản trở ông tiếp tục bước đi khi Chúa gọi. Cái trại nhắc nhở ông rằng ông là một người khách lạ và là một khách hành hương; còn bàn thờ nhắc ông rằng ông là một công dân của thiên quốc đang tìm kiếm thành thánh mà Chúa hứa (Hê-bơ-rơ 11:10, 14-16). Cả hai điều này sẽ diễn ra nếu như chúng ta trở nên thành công trong bước đường hành hương của Cơ Đốc Nhân.
Tất cả chúng ta sống trong một cái “lều tạm”, một thân thể loài người tạm bợ (II Cô-rinh-tô 5:1-8). Khi một Cơ Đốc Nhân chết, cái lều tạm đó bị “hạ xuống” và linh hồn ở với Đấng Christos trên thiên đàng (Phi-líp 1:21-24). Nhưng trong khi chúng ta còn đang sống trong thế gian này, chúng ta phải cẩn thận không được sống giống như thế gian hoặc sống vì thế gian. Chúng ta phải tĩnh thức chớ yêu những thứ thế gian yêu (I Giăng 2:15-17) và đừng làm theo đời này (Rô-ma 12:2). Gia-cơ 4:4 cảnh báo rằng “làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời.” Lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải thân thiện với những người chưa được cứu; vì nếu không gần họ thì làm sao chúng ta có thể làm chứng cho họ; nhưng chúng ta không được để “bị ô uế” bởi thế gian (Gia-cơ 1:27) hay là “để lụy mình” với thế gian (II Ti-mô-thê 2:3-4). Những người chưa được cứu đang dõi xem chúng ta, và chúng ta phải sống như những người công dân của thiên quốc (I Phi-e-rơ 2:11-12). Chúng ta phải để ánh sáng của đời sống mình chiếu rọi thì những người bị hư mất mới ước muốn tin nơi Đấng Cứu Thế và tham gia với chúng ta vào cuộc hành hương.
2. Cơ Đốc Nhân được gọi cùng nhau
Chúng ta đừng nghĩ rằng là “những khách lạ và những khách hành hương” thì chúng ta cô đơn giữa thế gian hiện tại của ma quỷ; vì chúng ta không chỉ được gọi ra, mà chúng ta được gọi ra cùng nhau. “Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau” (Công Vụ 2:44). “Chớ bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25) là một trong những mạng lệnh của Chúa đối với những khách hành Điều này chỉ đúng khi chúng ta gặp nhau và chăm sóc người khác. Tất cả các Cơ Đốc Nhân cần lưu ý lời khuyên răn của Giô sép nói với các anh khi tiễn họ rời Ê dip quay về Ca na an : “ Xin anh em đừng cãi lẫy nhau dọc đường”
Cơ Đốc Nhân “với quyền công dân.” Khi Phao-lô nhắc nhở tín hữu Phi-líp rằng “quyền công dân” của họ là ở trên thiên đàng (3:20), và ông sử dụng một chữ của ngôn ngữ Hy Lạp politeuma, có nghĩa trong tiếng Anh là politics (chính trị). (Bạn sẽ thấy một chữ giống như thế trong Phi-líp 1:27). Điều này quan trọng là bởi thành phố Phi-líp thực ra là một thuộc địa của người La Mã. Để giúp bảo vệ đế chế của họ, người La Mã đã lập ra một vài quyền dành riêng cho công dân trung thành (thường là những cựu binh) ở những thành phố khác nhau và cai trị những thành phố đó theo cách cai trị thành Rô-ma. Một thuộc địa của La Mã được tổ chức và điều hành bởi luật pháp La Mã, và những công dân của thuộc địa cũng có những đặc quyền như những người sống trên đất nước Rome. Đó là một vinh dự lớn cho một thành phố được gọi là thuộc địa, và những người ở đó làm mọi việc họ có thể làm để đem vinh quang về cho thành Rô-ma.
Mỗi một Hội Thánh địa phương là một “thuộc địa của thiên đàng” trên đất, được tạo ra bởi những công dân của thiên đàng vì tên của họ đã được ghi trên thiên đàng (Lu-ca 10:20). Trong thời của Phao-lô một người có được quyền công dân La Mã bằng cách được sinh ra hoặc được mua (Công Vụ 22:28), hoặc bởi nhận nó như là một món quà. Cơ Đốc Nhân là những công dân thiên quốc là bởi vì họ đã sinh lại nhờ đức tin nơi Đấng Christos. Quyền công dân thiên quốc của họ là một món quà, một món quà được mua cho họ bởi huyết của Con Đức Chúa Trời.
Quyền công dân La Mã là một địa vị đáng tự hào vì nó mang đến nhiều quyền lợi, như là nắm giữ một vị trí trong cơ quan chính quyền, tham gia vào các Hội, thừa kế tài sản, được pháp luật bảo vệ, và thậm chí là có đặc quyền kháng án cho chính mình với Hoàng đế. Nhưng hãy nghĩ về những đặc quyền của con dân Chúa đang có bởi quyền công dân thiên quốc của họ. Chúng ta được bảo vệ bởi thiên sứ (Hê-bơ-rơ 1:14; Thi Thiên 34:7). Chúng ta có thể nói chuyện với Vua của mình bất kỳ lúc nào. Chúng ta có thể phục vụ Ngài. Chúng ta chia sẻ sự giàu có của Ngài và những uy quyền của Ngài khi chúng ta làm mục vụ trên đất. Và một ngày kia Ngài sẽ gọi chúng ta về nhà của chúng ta trên thiên đàng.
Những người sống ở các thuộc địa La Mã phải nhớ rằng hầu hết những người ngoại quốc sẽ phán xét đế chế La Mã theo cách mà những công dân thuộc địa ăn ở. Điều này rất quan trọng trong thư Phi-líp là một ví dụ, tuân theo luật pháp và khen ngợi Hoàng đế, nếu không họ sẽ mang lại sự sỉ nhục cho đế chế La Mã. Nguyên tắc này cũng được áp dụng với Hội Thánh, “thuộc địa thiên đàng” của Đức Chúa Trời trên đất. Mọi người phán xét Chúa theo cách chúng ta ăn ở, và đó là lý do tại sao chúng ta lại cần phải kiểm soát chính mình thì mới xứng đáng với Tin lành của ĐứcChúa YAHUSHUA Christos (Phi-líp 1:27).
Khi các công dân của thiên quốc cùng nhau làm việc gì thì chúng ta nên thờ phượng Chúa, khích lệ người khác, và làm chứng cho người bị hư mất. Thật buồn làm sao nếu như những buổi nhóm trong nhà thờ chỉ như những buổi “hoạt động thường nhật” thay vì được chú ý tới bởi quyền năng và ơn phước thuộc linh! Khi những người chưa được cứu đến thăm những buổi lễ của chúng ta, họ có thể dễ dàng biết chúng ta là những công dân thiên quốc hay Hội Thánh cư xử như người thế gian.
Tôi đề nghị bạn nên nghiên cứu những câu “với nhau” trong Tân Ước và khám phá xem Đức Chúa Trời mong con dân của Ngài làm gì khi họ được gọi cùng nhau. Chúng ta thường có xu hướng coi việc được nhận những đặc ơn và trách nhiệm của sự thông công trong Hội Thánh là hiển nhiên, và điều này làm chúng ta mất tính thú vị và chất phong phú của sự thông công trong các Cơ Đốc Nhân. Chúng ta càng sống giống như những khách hành hương và khách lạ như là những công dân của thiên quốc thì chúng ta càng vui mừng hơn trong mối tương giao với những con người được Chúa chọn. Chúng ta càng gần gũi với thế gian hơn, thì chúng ta càng thấy ít thú vị hơn khi được ở với những con dân của Chúa.
3. Cơ Đốc Nhân được gọi tiến lên phía trước.
Chúng ta được gọi ra khỏi thế gian để Đấng Christos có thể sai chúng ta trở lại thế gian, để nhờ đó chúng ta có thể cứu người khác khỏi thế gian. Đức Chúa Giê-su nói với Cha của Ngài “Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian” (Giăng 17:18). Nếu như chúng ta vẫn thuộc về thế gian, chúng ta không thể cứu giúp thế gian. Nhưng nếu chúng ta không thuộc thế gian nữa, chúng ta sẽ được tự do dẫn người khác vào trong sự vui mừng được cứu nhờ đức tin nơi Đấng Christos.
 Cuộc sống của Cơ Đốc Nhân là một khách hành hương từ dưới đất tới thiên đàng, và nhiệm vụ của chúng ta là đem được càng nhiều người theo chúng ta lên thiên đàng thì càng tốt bấy nhiêu. Chúng ta sẽ nói với những người ở quanh chúng ta cũng như Môi-se nói với anh vợ rằng: “Chúng tôi đi đến xứ mà Đức YAHWEH có phán rằng: Ta sẽ ban xứ đó cho các ngươi. Xin anhhãy đi cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ đãi anh tử tế; vì Đức YAHWEHcó hứa ban ơn cho dân Y-sơ-ra-ên.” (Sáng Thế Ký 10:29).
Chúng ta được gọi tiến lên phía trước bởi Chúa đã sắm sẵn nơi mà Ngài dẫn chúng ta đến và chúng ta phải sẵn sàng tuân lệnh. Là những công dân thiên quốc, chúng ta phải theo lệnh Ngài. Và là những người hành hương trên đất, chúng ta phải cẩn thận không để những điều bận bịu giữ chúng ta lại. Bất kỳ điều gì trong đời sống ngăn cản chúng ta nghe tiếng gọi của Chúa và tuân theo lời Ngài, thì điều đó thuộc về thế gian, hãy từ bỏ nó. Chúng ta chẳng bao giờ biết khi nào Chúa sẽ gọi chúng ta. Chính trong một buổi lễ thờ phượng ở An-ti-ốt, Chúa đã kêu gọi Sau-lơ (Phao-lô) và Ba-na-ba rời khỏi quê hương và mang tin lành đến cho dân ngoại. Họ được gọi tiến lên trước bởi Đức Chúa Trời và được sai đi trước bởi Đức Thánh Linh làm việc trong lòng Hội Thánh (Công Vụ 13:1-4) và họ tuân lời Ngài ngay lập tức.
Sự trái ngược giữa cuộc đời của Áp-ra-ham và Lót đã minh họa lẽ thật này (Sáng Thế Ký 12-19). Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và tuân theo lời Ngài khi Chúa gọi ông rời xứ U-rơ vùng Canh-đê để đến một nơi mà ông không hề biết. Đức Chúa Trời dẫn dắt Áp-ra-ham từng bước, từng ngày, và bất cứ nơi nào Áp-ra-ham đặt chân đến, ông cắm trại (một người hành hương và một khách lạ) và dựng bàn thờ Chúa ở đó (một công dân thiên quốc). Ông sẵn sàng vâng lời Chúa.
Tuy nhiên Lót chẳng hề có tấm lòng của một khách hành hương, mặc dù thế ông vẫn là một người được cứu (II Phi-e-rơ 2:7). Ông ta yêu thích Sô-đôm và đi theo hướng đó (Sáng Thế Ký 13:5-13). Còn Áp-ra-ham thì ở một nơi riêng biệt, nhưng cuối cùng Lót dời đến ở tại Sô-đôm và bị bắt giữ bởi kẻ thù (Sáng Thế Ký 14:12). Áp-ra-ham cứu được cháu mình, nhưng Lót lại quay trở lại Sô-đôm một lần nữa. Khi những thiên sứ đến Sô-đôm, họ tìm thấy Lót đang ngồi trong cổng thành, điều này chỉ ra rằng Lót giờ đã trở thành một vị quan của thành Sô-đôm (Sáng Thế Ký 19:1). Lót đã từ bỏ lều tạm và bàn thờ và mọi thứ là mục đích sống của ông cũng trở thành tro bụi khi Đức Chúa Trời phá hủy Sô-đôm. Ông được cứu “song dường như qua lửa vậy” (I Cô-rinh-tô 3:15).
Trong thời đại hiện nay, Đức Chúa Trời lấy một người ra là vì danh Ngài (Công Vụ 15:14). Ngài sử dụng chúng ta chia xẻ sứ điệp cho những người bị hư mất, và điều quan trọng là chúng ta làm việc mình trung tín, được ban thêm sức bởi Thánh Linh của Chúa (Công Vụ 1:8). Sự thực là mỗi tín hữu có một chức vụ, cho dù tâm nguyện của người ấy là gì, thì sự thực là Đức Chúa Trời kêu gọi một vài khách hành hương của Ngài phục vụ theo những cách đặc biệt. Hôm nay tôi đang cầu nguyện cho một bảng phân công nhiệm vụ truyền giáo ở nước ngoài họ đang tìm kiếm 400 tình nguyện viên để phân công họ vào các nhiệm vụ khác nhau. Cũng có cả những vị trí trống cần điền tên họ trong các Hội Thánh địa phương. Là một trong những khách hành hương của Chúa, chúng ta cần phải cầu nguyện xin Chúa sai đi những người làm công là những người sẽ làm tốt đẹp công tác Ngài giao (Lu-ca 10:1-2).   
4. Các Cơ Đốc Nhân Một Ngày Kia Sẽ Được Cất Lên Thiên Đàng
Các Cơ Đốc Nhân là công dân thiên quốc. Vì thế, nhà trên thiên đàng chính là định mệnh của họ. Đấng Cứu Thế đang chuẩn bị một nơi cho mỗi chúng ta ở trong nhà Cha, và Ngài hứa Ngài sẽ trở lại và đem chúng ta lên ngôi nhà tuyệt vời đó (Giăng 14:1-6). Ngày Ngài trở lại, không ai biết và rất nguy hiểm nếu chúng ta định ngày Ngài trở lại (Lu-ca 17:20-37).
 Hầu hết các Cơ Đốc Nhân đều tin vào điều được gọi là “sự trở lại của Đấng Christos gần đến.” Chữ “imminent” nghĩa là “sắp xảy ra”. Nói cách khác, chẳng có gì đặc biệt xảy ra trước khi Chúa đến. Ngài có thể đến hôm nay, hay Ngài có thể đợi một thế hệ khác. Vì không ai biết trước khi nào Chúa YAHUSHUA Christos trở lại, tất cả các con dân của Ngài phải sẵn sàng mỗi ngày, mỗi giờ để gặp Chúa.
Biết rằng việc chúng ta có thể được “cất lên” bất kỳ lúc nào khiến chúng ta nên tập trung vào việc sống thánh khiết (I Giăng 2:28- 3:3) và hầu việc Ngài trung tín (Ma-thi-ơ 25:14-30). Công việc của mỗi tín hữu sẽ được phán xét tại tòa phán xét của Đấng Christos, và tất cả những ai hầu việc trung tín sẽ được Chúa thưởng (Rô-ma 14:10-12; II Cô-rinh-tô 5:9-10). Những ai không trung tín hầu việc sẽ mất phần thưởng của họ. “Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” (I Cô-rinh-tô 3:15). Đầy tớ nào nói rằng “Chúa ơi xin Ngài đừng đến vội” là người đó đang gặp rắc rối (Lu-ca 12:41-48). 
Vì quyền công dân của chúng ta là của nước thiên đàng và nhà chúng ta cũng ở thiên đàng, chúng ta là những khách hành hương về nhà Cha thì chúng ta phải tu dưỡng “để trở nên ngoan đạo” khi chúng ta còn ở trên đất. Chúng ta phải tìm kiếm Đấng Cứu Thế không ngừng (Phi-líp 3:20). Điều này không có nghĩa là chúng ta từ bỏ những trách nhiệm đối với thế gian và cũng như D.L. Moody từng nói rằng, hãy trở nên “ngoan đạo đến mức mà chúng ta chẳng phải là những thứ thuộc thế gian nữa.” Điều trái ngược như thế mà lại đúng. Những cha mẹ, trẻ con, người làm thuê, công dân, bạn bè và đầy tớ Chúa là những người đang tìm kiếm Chúa cần phải trung tín hơn nữa.
Đây là một “hy vọng thánh” đã khích lệ những ông tổ của đức tin như Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp vì họ “chờ đợi một thành… mà Đức Chúa Trời đã xây cất và sáng lập.” (Hê-bơ-rơ 11:10; chú ý câu 13-16). Đôi mắt của những khách hành hương về nhà Cha không được ngó lại đời sống cũ (Lu-ca 9:62), hoặc ngó quanh và bị thế gian lôi kéo. (Sáng Thế Ký 13:10-11). Họ phải suy nghĩ về thiên đàng bằng đức tin và được chọn bởi ĐứcChúa YAHUSHUA Christos (Hê-bơ-rơ 12:1-2). Bởi vì chúng ta được cất lên cùng với Đấng Christos, thì chúng ta nên “tìm các sự ở trên trời” (Cô-lô-se 3:1).
Thật không dễ để có thể trở thành một khách hành hương trung tín của Chúa, để sống một cuộc sống tách biệt và sẵn sàng mọi lúc thi hành những mạng lệnh Ngài giao. Nhưng những phần thưởng là xứng đáng lắm. Chúng ta không chỉ vui hưởng sự hiện diện của Ngài và ơn phước trên đất này mà chúng ta còn có một sự đoan chắc về tương lai tuyệt vời trên thiên đàng. Chúng ta biết rằng Đấng Christos hứa sẽ trở lại, và khi Ngài thực hiện lời hứa đó, chúng ta sẽ được “được cất lên …tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).
Điều cuối cùng bạn đừng ngại trở thành một khách hành hương và khách lạ của thế gian này khi bạn biết đích đến là thiên đàng.
 
(CÒN TIẾP)
Các bài viết khác
Mới đăng
Xem nhiều nhất
GIÁO HỘI BÁP-TÍT VIỆT NAM

Mạng Lưới Giáo Hội Báp-tít Việt Nam là một kênh truyền thông của Giáo Hội nhằm kết nối các Hội Thánh Báp-tít địa phương khắp nơi để kết hợp rao truyền tin lành và mong đợi kết quả cho Cứu Chúa Giê-Su.

Thông tin liên hệ

Địa chỉ: A11 KDC Bách Khoa, Nguyễn Duy Trinh

P. Phú Hữu, TP. Thủ Đức, TP. HCM

Điện thoại: 08-6678-2754

Email: vanphongghbtvn@gmail.com

Hotline: 098.935.2340 - 0994620831

Website: www.giaohoibaptitvietnam.org

Facebook: Giáo Hội Báp-tít Việt Nam

Theo dõi