Phác thảo bài giảng của Giáo sư Reg Reimer
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC
TIN LÀNH CẢI CHÁNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO*
TRÊN CÁC HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM
(*: thường gọi tắt là “Tin Lành Cải Chánh” hoặc “Giáo Hội Cải Chánh”)
Đã có hàng loạt các sách vở, phim ảnh, bài viết được xuất bản và các hội thảo, lễ hội được tổ chức trong năm nay để kỷ niệm 500 Năm ngày Tin Lành Cải Chánh!
Tại sao sự kiện ấy lại quan trọng đến thế?
Trong vài phút sắp tới, tôi sẽ tóm lược nguồn gốc của tổ tiên thuộc linh của các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ra từ công cuộc Cải Chánh. Tôi cũng sẽ giải thích một vài đặc điểm và hệ quả then chốt của công cuộc Cải Chánh. Cuối cùng, tôi sẽ nhấn mạnh hai bài học từ công cuộc Cải Chánh để áp dụng cho Việt Nam hôm nay.
Lược sử ngắn gọn về công cuộc Cải Chánh
500 năm về trước! Đó là năm 1517, tại một nơi có tên là Wittenberg thuộc nước Đức. Đó là thời kỳ của Lo Sợ: vì nhiều quan điểm chính trị đối lập, những sự đói kém, náo loạn về chính trị đang ngày càng lan rộng. Các đại dịch bệnh liên tiếp xảy ra (periodic plagues) giết chết hàng ngàn người; những vụ tử hình nơi công cộng thu hút rất nhiều đám đông tò mò. Sợ hãi sự chết, ma quỷ và sự đau đớn khổ hình nơi Ngục Luyện Tội, vô số đoàn người đông đảo tìm kiếm sự xá tội (ân xá cho tội lỗi) bằng việc đi hành hương và giam mình sám hối (pilgrimage & penance).
Ngửi thấy mùi cơ hội, một chủ ngân hàng đầy quyền lực ở Augsburg, tên là Jakob Fugger, bèn phối hợp với Tòa Thánh Vatican để bán Bùa Xá Tội. Đó là những tờ giấy chứng nhận có nội dung xác nhận ban cho người mua sự miễn trừ hình phạt đau đớn của tội lỗi trong thế giới bên kia. Điều này làm cong quẹo và biến chất giới tu sĩ lãnh đạo và các Hội Thánh Công Giáo.
Martin Luther, trong lúc này, đã hoàn tất bằng Thạc sĩ Khoa học Xã hội (MA) ở một trường đại học, nhưng lại bỏ dở việc học làm Luật sư nửa chừng để trở thành tu sĩ. Chuyến đi hành hương về La Mã chỉ làm tăng thêm những sự nghi ngờ và sợ hãi trong tâm linh anh càng nhiều hơn trước. Sau nhiều năm quyết tâm tìm kiếm sự hòa thuận với Đức Chúa Trời trong vô vọng, bây giờ, (từ việc được trực tiếp tự học Kinh Thánh trong nguyên ngữ), chàng tu sĩ trẻ tuổi - Martin bất ngờ được biến đổi trong một nhận thức vô cùng mới mẻ và mạnh mẽ vô biên, sẽ viết nên chính sứ mạng của cuộc đời anh và của sự kiện Tin Lành Cải Chánh. Đó là Đức tin- chứ không phải Việc làm- mới đem đến sự ân xá cho tội lỗi! Sự cứu rỗi sẵn dành cho chúng ta chỉ qua Ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi!
Các đặc điểm then chốt và hệ quả của cuộc Cải Chánh Giáo Hội:
1.) Sự phục hồi giáo lý chính thống
Thật rõ ràng rằng việc mua bán bùa xá tội, sự xá tội mà bạn thậm chí có thể mua cho cả tổ tiên đã chết, là điều hoàn toàn xuyên tạc Phúc Âm.
Martin Luther đã lần theo quá khứ để tìm xem điều đã bị đánh mất là gì, và ông đã “cải chánh” sứ điệp Phúc Âm méo mó trở về với ý nghĩa nguyên thủy của nó. Các nhà Cải Chánh Giáo Hội đã sử dụng 3 chữ “Sola” (tiếng Latin có nghĩa là “duy nhất” hay “độc nhất”):
Thứ nhất, Sola Scriptura - Duy Kinh Thánh, nghĩa là thẩm quyền tối hậu là Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, chứ không phải là những thói quen đã âm thầm len lỏi vào trong Hội Thánh, hay thậm chí là những lời Đức Giáo Hoàng nói. Chỉ duy Lời của Đức Chúa Trời, Duy Kinh Thánh, là thẩm quyền tối hậu.
Thứ nhì là Sola Gratia, tức là Duy Ân Điển. Ân điển là món quà miễn phí của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể làm được bất cứ điều gì để mua được sự cứu rỗi, dù bằng các việc lành hay bằng cách sống tốt. Sự cứu rỗi đến từ bên ngoài bản thân chúng ta. Mối tương giao với Đức Chúa Trời có được chỉ là nhờ Ân điển Chúa ban thông qua sự chết chuộc tội của Con Ngài.
Sự phục hồi thứ ba là Sola Fide - Duy Đức Tin. Chúng ta có thể đáp ứng lại món quà Ân Điển của Đức Chúa Trời bằng cách tin nơi Ngài, tức là đặt lòng tin của chúng ta vào Ngài. Đây là sự đáp ứng duy nhất mà Chúa đòi: Duy Đức Tin!
Đây là ba nền tảng giáo lý đã được phục hồi và khẳng định trong cuộc Cải Chánh. Ba điều đó đã đem đến nhiều sự thay đổi lớn lao.
2.)Tiếp tục sản sinh nhiều cuộc Cải chánh đang tiếp diễn, những sự đổi mới và sứ mạng:
Chúng ta có thể nói: Tin Lành Cải Chánh đã bình thường hóa hàng loạt sự đổi mới. Cuộc Cải Chánh ban đầu đã dẫn đến một cuộc Cải chánh khác quyết liệt hơn, được gọi là Phong trào Anabaptist (Làm lại phép Báp-tem). Nhiều người nói các nhà Cải Chánh ban đầu đã không tiến đủ xa. Giống như Công Giáo La Mã, Luther đã không chịu phân rẽ Giáo hội và chính quyền. Các nhà Cải Chánh Giáo Hội ban đầu vẫn tiếp tục làm Báp-tem cho các em bé sơ sinh. Những người theo phong trào Anabaptist nói rằng: Báp-tem chỉ nên được làm cho những người đã đủ lớn để có thể hiểu rõ điều họ đang làm là gì. Và hơn thế nữa, các Hội Thánh chỉ nên bao gồm những tín hữu tự nguyện tin Chúa, chứ không được dung nạp bất kỳ ai chỉ vì họ cũng thuộc về một quốc gia Cơ-đốc, ví dụ như nước Đức.
Một số nhà Cải Chánh ban đầu đã xem việc “làm Báp-tem cho người lớn” và “Hội Thánh chỉ là của các tín hữu” là tà giáo, đến nỗi họ đã bách hại những ai theo phong trào Anabaptist. Ngày hôm nay, như các bạn biết, hai ý tưởng đó được chấp nhận rộng rãi bởi tất cả các hệ phái Tin Lành. Anabaptist cũng tin rằng một Hội Thánh địa phương đáng phải là một cộng đồng cam kết tận tâm gắn bó, mà trong đó các tín hữu giúp đỡ lẫn nhau từ nhu cầu thuộc thể đến việc giúp nhau sống đời sống Cơ-đốc, chứ không phải chỉ là gặp gỡ trong giờ nhóm thờ phượng. Họ cũng tin vào việc không sử dụng bạo lực, bạo động. Việc áp dụng tất cả những niềm tin đó và từng lời giảng của Chúa Jesus trong Bài giảng Trên Núi theo nghĩa đen đã khiến họ phải trả nhiều giá đắt.
Anabaptist cũng là những nhà vô địch về sự tự do tôn giáo. Họ nhìn thấy rằng sự tự do chọn lựa của mỗi cá nhân là trọng tâm của sứ điệp Phúc Âm. Họ nói: “Chúng ta không gây áp lực trên bất cứ ai để trở thành tín hữu! Đó không phải là vấn đề ép buộc đối với mỗi con người- dù là từ bên trong hay bên ngoài. Chúa chỉ muốn sự tôn thờ và phục vụ cách tự nguyện!” Điều đó cũng tiến xa hơn so với các nhà Cải Chánh ban đầu, mà nay đã được chấp nhận toàn cầu bởi tất cả mọi truyền thống Cơ-đốc, kể cả giáo hội Công giáo.
Cuộc Cải Chánh đã phá vỡ thế độc quyền của Giáo Hội trong vấn đề tìm đường đến gần Đức Chúa Trời, và giải phóng sự tự do cá nhân của mọi tín hữu. Khi làm như thế, Tin Lành Cải Chánh đã giải phóng cho các nguồn lực và những sự bùng nổ tâm linh chưa từng thấytrước đó, điển hình là các hệ phái mới, các phong trào phấn hưng, và những sự cải cách xã hội.
Tại nước Đức, phong trào Mộ Đạo nổ ra vào thế kỷ thứ 18 (Pietistic movement) với đời sống tâm linh sâu sắc và các hoạt động truyền giáo sâu rộng. Cùng thời điểm đó cũng nổ ra các phong trào đổi mới ở nước Anh; và tại Mỹ, cuộc Phấn hưng Vĩ đại (Great Awakening- của Jonathan Edwards cùng với George Whitefield và anh em nhà Wesleys giữa thế kỷ 18) đã kéo theo rất nhiều cuộc phấn hưng khác. Cùng với nhau, các phong trào liên tiếp diễn ra từ cuộc Cải Chánh đã sản sinh ra cái mà ngày nay gọi là đạo Tin Lành (Evangelicalism). Một cuộc phấn hưng Ngũ tuần xảy ra năm 1906 tại Los Angeles đã đem đến ảnh hưởng kéo dài trên rất nhiều hệ phái Tin Lành, bao gồm cả Việt Nam vào những năm 1980.
Không có gì bất ngờ khi nhiệt huyết Tin Lành đã sản sinh ra nhiều khải tượng hoạt động truyền giáo sâu rộng đầy quyền năng. Đầu thế kỷ thứ 19, William Carey từ Anh quốc đến với Ấn Độ, rồi Adoniram Judson từ nước Mỹ đến với Myanmar, mở đầu cho thế kỷ Truyền giáo Tin Lành vĩ đại- đã lan truyền Phúc Âm đến khắp thế giới, dù vẫn chưa chạm đến bán đảo Đông Dương.
Chỉ đến cuối thế kỷ 19 ấy, các giáo sĩ người Ca-na-đa và Mỹ của Hội Liên hiệp Truyền giáo Phúc Âm (Christian and Missionary Alliance) mới bắt đầu đến thăm dò Việt Nam. Năm 1911 họ thiết lập một sứ mạng lâu dài tại Đà Nẵng và thành lập Hội Thánh Tin Lành đầu tiên. Đó là lời giải thích ngắn gọn về nguồn gốc của đạo Tin Lành tại Việt Nam.
Cuộc Cải chánh cũng dẫn đến những sự cải cách tích cực trong Giáo hội Công giáo. Điều này thường bị khước từ hoặc xem nhẹ. Các sự cải cách của họ đến chậm rãi, nhưng đây là điều mà George Weigel, một nhà thần học then chốt của Công giáo vừa nói cách đây một tháng về việc một Hội Thánh cải cách đáng phải trông thế nào trong thế kỷ 21 này: “Điều nó cần nhất là các chứng nhân:
· Những người nam và nữ đang nóng cháy với nhiệt huyết truyền giáo- bởi biết rõ tình yêu của Đấng Christ đã ôm lấy cuộc đời họ, và họ hăng say chia sẻ tình yêu đó cho người khác.
· Những người nam và nữ nhìn thế giới này qua lăng kính của Kinh Thánh.
· Những người nam và nữ được Thánh hóa bởi Đức Thánh Linh.
· Những người nam và nữ nhận biết như sứ đồ Phao-lô, rằng mọi thử thách của thời kỳ hiện tại này là để chuẩn bị một Hội Thánh luôn luôn Cải Chánh cho sự Vinh hiển đời đời (2 Cô-rinh-tô 4:17).
Hãy bắt đầu làm quen với các anh chị em trong Chúa đến từ giáo hội Công giáo.
2.) Các hệ quả không ngờ của cuộc Cải chánh
Các học giả cho biết: Cuộc Cải chánh đã dẫn đến sự biến đổi cả Âu Châu vào trong sự tiến bộ và cách tân hiện đại. Điều này không được Luther nhìn thấy trước. Tuy nhiên, đó là kết quả của việc phục hồi giáo lý đúng Kinh Thánh, rằng tất cả mọi người:
· Được tạo dựng trong hình ảnh Đức Chúa Trời
· Có địa vị ngang bằng nhau trước mặt Đức Chúa Trời
· Đều có nhu cầu cần được Chúa tha thứ,
· Đều có khả năng nhận được Phúc Âm y như nhau.
Nhận thức đó khiến cho sự biến đổi tâm linh và văn minh tiến bộ nhân loại có thể xảy ra. Hãy nhìn xem hàng chục ngàn cuộc đời của người H’Mông được biến đổi, là những người đã kinh nghiệm điều này ở các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam (thật ra có cả ở Đông Bắc). Cơ đốc giáo rất khác biệt so với các tôn giáo khác trong việc sử dụng lý luận lô-gic để giảng dạy và bênh vực các chân lý mà nó công bố. Đó không phải là mê tín! Lý lẽ và kiến thức được sử dụng để nói rõ và bênh vực chân lý Phúc Âm của cuộc Cải Chánh, mà qua đó cũng làm nâng cao tầm quan trọng của giáo dục đối với mọi người. Qua bản dịch Kinh Thánh bậc thầy của Luther từ nguyên ngữ vào tiếng Đức, lần đầu tiên những người bình thường có thể tự mình đọc và học Lời của Chúa cho chính mình- mà không còn cần một linh mục hay mục sư nào để nói với họ rằng điều đó có nghĩa là gì.
· Việc sử dụng lý lẽ như thế cũng đem đến các hệ quả lớn lao vĩ đại cho nền kinh tế. Chủ nghĩa tư bản phát triển nở rộ và nâng cao mức sống theo những cách rõ rệt, y chang như tại nơi mà cuộc Cải Chánh lần đầu xảy ra.
· Lãnh vực thứ nhì của sự tiến bộ là việc gia tăng thực thi công lý. Các Cơ đốc nhân từ cuộc Cải chánh đã nói rõ các nguyên tắc công bình toàn cầu- mà mọi người có thể hiểu được bất kể họ ở trong địa vị nào, niềm tin nào. Cơ đốc nhân gọi chúng là các quyền do Chúa ban, ví dụ như quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, là các quyền mà không ai được phép tước bỏ hoặc hạ thấp.
· Thứ ba, việc sử dụng rộng rãi lý lẽ được khuấy động bởi cuộc Cải Chánh đã dẫn đến những sự tiến bộ lớn lao trong việc phổ cập giáo dục, cũng như nâng cao nhận thức chính trị. Nó bắt đầu từ sự biên dịch Kinh Thánh theo các ngôn ngữ bản xứ, cùng với việc in ấn sách vở trong vô số các chủ đề. Chỉ đọc Kinh Thánh thôi cũng làm nâng cao nhận thức xã hội và chính trị, và sự bất mãn với vô số điều bất công mà con người phải chịu đựng. Năm 1539, Vua Henry VIII của Anh quốc ban cho mỗi giáo khu một quyển Kinh Thánh, với hy vọng rằng nó sẽ giúp cho mọi người dân ngoan ngoãn dễ bảo hơn và dễ bị cai trị hơn. Thay vào đó, nó lại đem đến ảnh hưởng trái ngược hoàn toàn, khiến người ta chất vấn tất cả mọi điều về vua lẫn về Giáo Hội.
Học giả Robert Woodberry, một người bạn của tôi, gần đây đã hoàn tất một nghiên cứu toàn cầu về chế độ Dân Chủ (democracy). Ông kết luận rằng các chính quyền dân chủ đã được phát triển chính xác ngay tại những nơi mà các giáo sĩ Tin Lành đã rao truyền Phúc Âm, kêu gọi mọi người tin Chúa và mở mang các Hội Thánh mới.
Cuộc Cải chánh có ý nghĩa gì đối với các Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ngày nay?
Để tóm tắt, tôi xin nhấn mạnh hai bài học rất quan trọng cho mỗi chúng ta.
1.) Trước hết, sự Đổi mới nảy sinh ra từ sự Ăn năn. Cuộc Cải chánh bắt đầu từ lúc Martin Luther đóng đinh bản 95 Luận đề ngay trước cổng nhà thờ ở Wittenberg. (95 “Luận đề” ở đây là các tuyên bố, lý luận, câu hỏi chất vấn và lời đề nghị tranh luận.) Luận đề thứ nhất của ông là gốc rễ để từ đó mọi cái khác nối theo sau, nói rằng: “Khi Đức Chúa Jesus Christ là Chúa và là Chủ của chúng ta nói ‘Hãy Ăn năn,’ ý Ngài là mọi tín hữu đáng phải dành trọn cả đời để ăn năn. Khi nói ăn năn, ý Chúa nói về cả tấm lòng bên trong quay lưng với tội và hành vi bề ngoài bày tỏ bằng chứng của sự ăn năn thật bên trong.”
Sự ăn năn thật khó, nhưng thật cần thiết. Cho riêng cá nhân mình, ta phải thường xuyên ăn năn với Chúa về mọi tỗi lỗi của chính ta, cả vì đã làm những việc sai trật lẫn vì chưa làm những điều đúng đắn. Nhưng trong bối cảnh của buổi nhóm họp bất thường này, tôi mời gọi các bạn hãy cân nhắc biết bao sự chia rẽ ở giữa vòng chúng ta. Cả tập thể chúng ta có nhu cầu cần ăn năn nào không? Chúng ta đều đọc bài Tín điều Các sứ đồ: “Tôi tin vào một Hội Thánh Phổ thông Toàn cầu,” nhưng ta có thật sự tin điều đó chăng?
Trong những năm gần đây, đã có những cuộc nhóm họp giải hòa ở mức độ cao giữa giáo hội Công giáo và Giáo hội Lutheran, giữa Lutheran và Anabaptist, v.v… Họ ăn năn và giải hòa vì những sai lầm trong quá khứ. Hai năm về trước, Đức Giáo Hoàng Francis đã đi đến để giảng dạy trong một Hội Thánh Ngũ tuần tại Ý, nơi ông đã ăn năn xưng nhận việc Giáo hội Công giáo bách hại hệ phái Ngũ tuần. Đó là các tín hiệu tốt lành.
Tôi tin rằng vẫn luôn có chỗ dành cho những khác biệt giữa chúng ta, nhưng không có chỗ dành cho sự thù địch! Chúng ta làm cho Chúa của mình tổn thương sâu sắc, là Đấng đã cầu nguyện cho chúng ta toàn vẹn hiệp làm một- trong khi ta không hề tôn trọng và yêu thương lẫn nhau! Ta không thể tự xem mình là tốt hơn mọi anh chị em khác hệ phái của mình. Chúng ta làm đau lòng Chúa khi nói rằng: Hội Thánh tôi là lâu năm hơn, đông đúc hơn, hay tốt lành hơn. Một bài học chính yếu từ công cuộc Cải chánh là: tất cả chúng ta đều có địa vị ngang bằng nhau trước mặt Đức Chúa Trời! Hãy thực hành điều đó trong mối tương giao của chúng ta mỗi ngày! Đừng để kẻ thù phân rẽ anh chị em ta!
Tôi cầu nguyện để phong trào phô bày sự hiệp nhất giữa vòng các Hội Thánh, các Hệ phái của các bạn sẽ tăng trưởng và nở rộ! Chúng ta chớ sợ hãi sự ăn năn, và nguyện mỗi chúng ta đều nỗ lực đấu tranh cho sự giải hòa ở bất cứ nơi nào cần đến. Đây không phải chỉ là chuyện giữa các Hệ phái, mà còn là giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số, giữa các Hội Thánh tư gia và nhà thờ và các hệ phái lâu đời hơn, giữa hai miền nam bắc, giữa các Hội Thánh có tư cách pháp nhân và chưa có tư cách pháp nhân. Ôi Chúa ơi, xin cho chúng con nhìn thấy chúng con là một ở trong Chúa!
2.) Thứ nhì, chúng ta hãy ngợi khen Chúa vì gia sản đồ sộ tuyệt vời của cuộc Cải Chánh Giáo Hội và tất cả những cơn phấn hưng về sau. Chúng đã khuôn đúc nên chúng ta, và dạy cho chúng ta biết rằng sự đổi mới đến từ chỗ ghi nhớ rõ ràng và phục hồi lại những chân lý nguyên bản về đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy tìm kiếm và kỳ vọng những cơn phấn hưng và đổi mới đến từ Chúa, nhưng đừng quên rằng ý nghĩa thật sự của từ “Đổi Mới” đối với Cơ-đốc nhân, thật ra lại có nghĩa là “trở về với nguyên thủy!” Lời của Chúa là tiêu chuẩn của chúng ta! Chúng ta thật được phước khi có Kinh Thánh được dịch ra trong nhiều bản dịch tiếng Việt khác nhau, và cả trong một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số nữa. Chúng ta hãy cùng đọc, học và thảo luận Lời của Đức Chúa Trời, và tổng động viên mọi tín hữu, để rồi Lời Chúa có thể dẫn dắt tất cả chúng ta về cách để sống hôm nay- khi ta đi đúng theo “đức tin đã được trao một lần cho các thánh đồ!” Nguyện mỗi chúng ta đều ghi nhớ rằng sự cứu rỗi chúng ta chỉ đến từ đức tin nhờ ân điển của Ngài!
Cuối cùng, để đáp ứng lại Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus và truyền thống Tin Lành của chúng ta, nguyện mỗi chúng ta sẽ ra đi mạnh mẽ công bố Tin tức Tốt Lành này cho vô số người vẫn chưa bao giờ được nghe biết tình yêu lớn lao mà Chúa dành cho họ!
Trong Danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. AMEN!
GS Reimer Reg, Ngày 3/11/2017 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.